Giải pháp tổng lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(PLO)-  Với Thông tư 02/2023, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nợ) với nhiều khách vay tối đa một năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng loạt giải pháp tổng lực đang được Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng đưa vào thực tế. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 03/2023 với nhiều điểm mới tích cực nhằm tháo gỡ các khó khăn trên thị trường lãi suất, trái phiếu và bất động sản. Đây là một mũi tên trúng nhiều đích.

Cụ thể, với Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nợ) với nhiều khách vay tối đa một năm. Chính sách này được kỳ vọng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn cũng như tiếp cận vốn vay mới phục vụ đời sống.

Với Thông tư 03, cơ quan điều hành cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết thay vì phải đợi sau 12 tháng như quy định cũ. Quy định mới này giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường trái phiếu cũng như thúc đẩy việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Nghị định 08/2023 cũng đã được ban hành giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ấm trở lại sau thời gian dài gần như đóng băng.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây Chính phủ và các bộ, ngành liên tục đưa ra các giải pháp tổng lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuế, lãi suất, thị trường trái phiếu, bất động sản… cho đến các biện pháp hành chính.

Mới đây nhất, ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 435 phân công các thành viên Chính phủ chủ trì cùng lãnh đạo các bộ liên quan trực tiếp làm việc với các địa phương bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính... Điều này cũng dễ hiểu khi các bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, mà tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý I-2023 là một minh chứng.

Với những quyết sách nhanh chóng như trên, Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt qua sóng gió, gặt hái nhiều thành công và đón nhận sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, để các chính sách trên phát huy hiệu quả tối đa trên thực tế thì các bộ, ngành cần có sự phối hợp nhất quán, nhịp nhàng cũng như cần theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện. Có như vậy các điểm nghẽn mới nhanh chóng được khơi thông, tạo niềm tin cho người dân cũng như các nhà đầu tư, từ đó dần khôi phục nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm