Cuộc gọi mời mua bảo hiểm, việc nhẹ lương cao... vẫn hành dân

(PLO)- Những cuộc gọi, tin nhắn mời chào quảng cáo từ những cá nhân bán bảo hiểm, giới thiệu việc nhẹ lương cao, làm bằng lái xe... vẫn hành dân từ sáng tới chiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa đầy 2 tiếng buổi sáng, chị Thy Hiền (Gò Vấp, TP.HCM) nhận được 2 cuộc gọi mời chào giới thiệu việc nhẹ lương cao và mua sản phẩm bảo hiểm… từ các số điện thoại cá nhân hoặc có đề brandname (tên thương hiệu).

Mệt với tin nhắn, cuộc gọi mời chào dịch vụ, tìm việc làm

“Từ khi nhà mạng làm gắt việc đăng ký thuê bao chính chủ và thông tin thuê bao phải trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, những tin nhắn mời chào cá độ bóng đá, hoặc “tình một đêm” đã giảm. Tuy nhiên, số cuộc gọi mời chào bảo hiểm, việc nhẹ lương cao, giả làm nhà tuyển dụng TikTok tuyển người làm… vẫn phiền tôi từ sáng tới chiều”- chị Thy Hiền bức xúc nói.

Các cuộc gọi mời chào bảo hiểm, việc nhẹ lương cao... vẫn phiền dân từ sáng tới chiều. Ảnh: THU HÀ

Các cuộc gọi mời chào bảo hiểm, việc nhẹ lương cao... vẫn phiền dân từ sáng tới chiều. Ảnh: THU HÀ

Tương tự, anh Phan Hải (Tân Bình, TP.HCM) cũng gặp tình cảnh tương tự khi phải nhận vô số tin nhắn mời chào làm các loại bằng từ cấp 3 đến đại học cũng như các thể loại cà vẹt xe… thông qua dịch vụ gửi tin nhắn trên “imessage” trên Iphone.

Chưa kể vì sim là số đẹp, hàng ngày anh Hải cho biết bản thân phải tiếp biết bao cuộc gọi, tin nhắn hỏi mua lại sim từ các đơn vị thu mua sim số đẹp.

“Điều này khiến tôi cảm thấy phiền toái vô cùng, ảnh hưởng tới thời gian làm việc và ngủ nghỉ”- anh Hải nhấn mạnh.

Nhiều kẽ hở khiến SIM rác vẫn tồn tại... hợp pháp

Trao đổi với PLO, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm giám sát và an toàn không gian mạng Quốc gia nhìn nhận, lý do hiện nay nhiều người dân vẫn nhận các cuộc gọi rác dù đã siết thông tin thuê bao là do có rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại SIM ảo để gọi điện thoại. Số ảo có cả cho cả Việt Nam và nước ngoài.

"Các đơn vị quảng cáo đã sử dụng các dịch vụ nói trên để gọi điện hoặc nhắn tin quảng cáo và lừa đảo"- ông hiếu nói.

Ngoài ra, nhiều đối tượng đã sử dụng dịch vụ Brandname để đăng ký cho tên sim, nhằm tạo uy tín khi gọi tới người dân. Một số đơn vị nhái tên nhà mạng như sử dụng brandame “mobifone” (brandname nhà mạng thật là MobiFone) nhằm lừa người dân để chiếm đoạt sim và thông tin cá nhân người dùng.

Trong khi đó, một chuyên gia lĩnh vực an toàn không gian mạng, nhìn nhận những kẽ hở trong quy định đăng ký thuê bao, chính là yếu tố khiến các SIM chuyên thực hiện cuộc gọi, tin nhắn mời chào quảng cáo vẫn tồn tại.

Đơn cử, hiện nay các nhà mạng vẫn chấp nhận SIM dù không chính chủ nhưng có thông tin trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hay chính sách một người vẫn có thể sở hữu nhiều thuê bao di động. Cụ thể, theo quy định, một cá nhân khi muốn đăng ký SIM thứ tư trở đi phải ký hợp đồng với nhà mạng.

"Đây cũng là lý do rất có thể nhiều người vịn vào để đăng ký SIM chuyên sử dụng cho các dịch vụ quảng cáo, mời chào. Dẫu vậy hiện nay, việc báo cáo các thuê bao có dấu hiệu SIM rác đã được Bộ TT&TT và nhà mạng thực hiện, thông qua việc người dùng báo cáo tới đầu số 156"- vị này cho biết.

Nhiều cách tiếp thị quảng cáo... hợp lòng dân

Việc liên hệ và tiếp cận khách hàng tiềm năng qua Telesales là một phương thức hiệu quả, nhưng hình thức này đang bị lạm dụng bởi nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN), khiến các cuộc gọi này trở thành nỗi ảm ảnh khách hàng.

Chính vì thế, nhà kinh doanh, DN cần xác định rõ nhu cầu khách hàng mục tiêu, bằng việc lọc thông tin. Cần xác định khách hàng từ các kênh nào, một cách có định danh, khách hàng quan tâm đến một chương trình, dịch vụ, sản phẩm nào đó thông qua quảng cáo trước, thì sẽ không bị liệt vào dạng cuộc gọi spam.

Với hình thức tin nhắn tiếp thị hiện tại cũng đang bị lạm dụng, dẫn tới không còn hiệu quả. DN nên chuyển sang dạng tin nhắn chăm sóc khách hàng theo lộ trình sau bán. Như vậy sẽ giữ chân và tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Ngoài ra, DN nên triển khai thêm những kênh khác như Messenger & Zalo để tiếp cận và chăm sóc khách hàng cá nhân tốt hơn.

Ông NGUYỄN MẠNH TẤNGiám đốc marketing tại Haravan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm