Sau khóa SIM: Nở rộ cuộc gọi rác từ tổng đài ảo

(PLO)- Dù ngành chức năng đã khóa hơn 1 triệu SIM không chính chủ nhưng nhiều người vẫn liên tiếp bị “khủng bố” bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ngày 15-4, các nhà mạng đã chính thức khóa hai chiều đối với thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều người dân vẫn nhận được các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác… Đáng chú ý, nhiều cuộc gọi rác còn sử dụng brandname (tên thương hiệu) khiến người dùng hoang mang.

Bị “dội” liên tục cuộc gọi rác, tin nhắn rác

Chị Thanh Trúc (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết ngày 18-4, một số điện thoại có đầu số 0772xxx892 mạo danh nhân viên viễn thông gọi đến thông báo số điện thoại của chị đứng tên đang nằm trong một vụ việc chiếm đoạt tài sản.

“Người này đọc đúng tất cả thông tin cá nhân của tôi. Họ nói trong vòng một ngày tôi phải đi gặp nhân viên nhà mạng để xác minh. Trường hợp tôi không có thời gian tới thì đóng tiền để họ tra cứu lại thông tin và xác thực giúp. Nếu không, họ sẽ trình báo và bàn giao cho công an xử lý” - chị Trúc kể lại.

Các nhà mạng vẫn tích cực hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Ảnh: THU HÀ

Các nhà mạng vẫn tích cực hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.
Ảnh: THU HÀ

Chị Quỳnh Trang (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chỉ từ 9 giờ sáng tới gần 2 giờ chiều chị nhận được bốn cuộc gọi rác, điển hình có những cuộc gọi chỉ cách nhau chưa đầy 10 phút.

Cục Viễn thông cho biết tính đến hết ngày 18-4, có hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đi chuẩn hóa lại (chiếm 2,35% tổng số thuê bao đã bị khóa hai chiều).

V.THỊNH

Các số này gọi tới từ đầu số +18440xxxx574 hoặc 0598xxxxxx hoặc 0707xxxxxx mạo danh tổng đài, thông báo SIM của chị sẽ bị khóa trong vòng 2 giờ. Một số cuộc gọi giả mạo nhân viên siêu thị để tặng quà online...

“Chưa kể tôi còn nhận hàng loạt tin nhắn rác được viết cách điệu để dẫn tới đường link nhà cái, chơi game ăn tiền hoặc cá độ bóng đá” - chị Trang bức xúc nói.

Không làm theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện nhà mạng MobiFone thừa nhận thời gian qua nhà mạng cũng nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về việc xuất hiện các cuộc gọi có tên brandname tương tự của MobiFone với mục đích lừa đảo.

“Các cuộc gọi của nhà mạng luôn từ đầu số 9090 với brandname là MobiFone, chữ F viết hoa. Trong khi đó, các đối tượng giả mạo nhà mạng thường tinh vi lừa người tiêu dùng bằng cách viết chữ f thường và có các đầu số 18xxx, hoặc số cá nhân nhưng hiện brandname” - vị đại diện nói.

Đại diện nhà mạng này cũng khuyến cáo người dân nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Nhà mạng MobiFone cho biết ước tính đến nay còn khoảng xấp xỉ 380.000 thuê bao vẫn đang bị khóa hai chiều đối với nhà mạng MobiFone.

Còn theo nhà mạng VinaPhone, tính đến ngày 14-4 vừa qua vẫn còn trên 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa. Hiện nay VinaPhone vẫn tiếp tục hỗ trợ mở khóa thuê bao cho các khách hàng có nhu cầu tại các điểm giao dịch trên cả nước.

Một nhà mạng thừa nhận việc chuẩn hóa thông tin thuê bao cũng khó dẹp hết tình trạng SIM rác - khởi nguồn của cuộc gọi, tin nhắc rác.

Nguyên nhân, dù là SIM chính chủ nhưng có thể người sử dụng lại dùng với mục đích gọi điện thoại làm phiền, tư vấn mời chào, thậm chí lừa đảo. Nhà mạng không quản lý mục đích sử dụng SIM của mỗi cá nhân và đây là điều khó có thể thực hiện.

Thanh tra người sở hữu nhiều SIM điện thoại

Dưới góc độ bảo mật thông tin, chuyên gia công nghệ Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhìn nhận việc chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với cơ sở dữ liệu là một động thái tích cực góp phần ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Dẫu vậy, động thái trên chỉ thỏa mãn điều kiện cần nhưng chưa đủ để dẹp nạn SIM rác.

Theo ông Thắng, việc dẹp SIM rác đã diễn ra suốt bao nhiêu năm nay nhưng chưa làm được. Bởi cứ khóa lượng SIM này thì vẫn còn một lượng SIM rác mới xuất hiện, mà những SIM này chính là do nhà mạng sản xuất. Do đó, gốc rễ của vấn đề vẫn là quản lý nguồn SIM mới ở nhà mạng.

“Hiện nay, các quy định chế tài quá nương nhẹ, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng nếu đơn vị hay nhà mạng vi phạm nhiều lần. Tôi cho rằng phải nâng mức phạt các đơn vị viễn thông sai phạm trong quản lý thông tin SIM” - ông Thắng đề xuất.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia, cho rằng: Cuộc gọi rác, tin nhắn rác xuất phát từ hai nguyên nhân: Quản lý của nhà mạng và thói quen bảo mật thông tin của người dùng.

Với nhà mạng, việc quản lý thông tin đăng ký thuê bao mới đang quá dễ dàng, phần nào gây khó xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác. Về phía người dân, việc vô tư đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội hoặc để lại số điện thoại khi mua hàng online… cũng khiến các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắc, cuộc gọi rác tận dụng cơ hội để “khủng bố”.

Đối với tình trạng vẫn tồn tại các cuộc gọi rác, Bộ TT&TT cho biết bộ đang chuẩn bị thanh tra trên cả nước về những trường hợp đăng ký từ 20 SIM trở lên nhằm ngăn chặn SIM rác.

Việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành từ ngày 5-4 đến 5-6. Theo đó, nhóm bị thanh tra, kiểm tra gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng SIM số lượng lớn và có dấu hiệu bất thường; chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương cùng các điểm cung cấp dịch vụ có lượng thuê bao đăng ký lớn.

Các nước quản lý SIM rác ra sao?

Khách hàng vẫn phải liên tiếp nhận những cuộc gọi rác. Ảnh: THU HÀ

Khách hàng vẫn phải liên tiếp nhận những cuộc gọi rác. Ảnh: THU HÀ

Theo ông Ngô Minh Hiếu, nạn SIM rác và không chính chủ ở các quốc gia phát triển cũng có nhưng ít vì quản lý danh tính của người dân/thuê bao rất chặt.

Với một SIM thường xuyên gửi tin nhắn, gọi điện thoại cho họ, khi bị báo cáo thì cơ quan quản lý xác định rất nhanh do việc quản lý thông tin dữ liệu của công dân rất rõ ràng.

“Ở nước ta, nạn lộ thông tin CMND rất nhiều. Chỉ cần có số CMND, kẻ xấu có thể đăng ký thêm nhiều SIM điện thoại khác mà ta không hề biết. Ở một số nước, một số định danh chỉ có thể đăng ký 1-2 số điện thoại tại một nhà mạng” - ông Hiếu thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm