Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách hai tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ tháng 3-2022 của TP.HCM, lãnh đạo TP nhận xét tất cả hoạt động kinh tế - xã hội đã và đang bám sát chủ đề năm. Kết quả những tháng đầu năm cho thấy kinh tế phục hồi nhanh, tương đối toàn diện; hoạt động của doanh nghiệp (DN) đang trở lại mạnh mẽ.
Song song với những thuận lợi, lãnh đạo TP cũng đã chỉ ra nhiều thách thức cho tiến trình chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian tới, điển hình như tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; chiến sự ở Ukraine ảnh hưởng đến giá cả; thị trường lao động chưa ổn định; tốc độ đầu tư công còn chậm; vấn đề quản lý đất công…
Liên quan đến những vấn đề nêu trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM, Tổ phó Tổ tư vấn chính sách cho TP.HCM) đã phân tích một số giải pháp trọng tâm để giải quyết những thách thức mà TP đối diện trong thời gian tới.
Những thành quả đầu năm 2022
. Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội tại TP.HCM trong những tháng đầu năm 2022, khi TP vừa trải qua một năm ứng phó và xoay xở trước những khó khăn mà dịch COVID-19 đã gây ra?
+ TS Trương Minh Huy Vũ: Dựa trên các chỉ số, TP.HCM đang phục hồi khá tích cực với tốc độ phục hồi nhanh dù rằng vẫn còn những căng thẳng về tình hình dịch bệnh, chủ yếu là tình trạng lây nhiễm nhanh ở các em học sinh sau khi quay lại trường học. Bốn tháng vừa qua như “một lò xo nén lâu ngày”, nền kinh tế đang có xu hướng “bật dậy” sau giai đoạn TP “dồn nén”.
Việc mở lại đường bay quốc tế sẽ kích thích các hoạt động du lịch, kinh tế, sản xuất, phát triển nguồn lao động… Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) ở quý I và quý II năm nay tuy sẽ không bằng cùng kỳ năm 2021 nhưng sẽ phục hồi so với tăng trưởng âm của cả năm 2021; trong hai quý còn lại của năm thì GRDP sẽ tăng trưởng hai con số.
UBND TP.HCM cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc vừa phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, vừa tạo ra nhiều nền tảng phát triển mới để bắt nhịp với xu thế phát triển chung. Từ đeo bám quyết liệt chủ trương đầu tư vành đai 3, đến xúc tiến trở lại vành đai 2; từ thúc đẩy đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, đến tập trung chỉnh trang đô thị với trọng tâm các không gian công cộng tại bến Bạch Đằng. Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua cũng cho thấy TP đã chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất đối với người dân TP không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động tri ân thiết thực và cụ thể.
Cần có tổ nghiên cứu huy động nguồn lực
. Bên cạnh những thành quả mà TP đã làm được trong hai tháng đầu năm 2022, phía trước liệu còn những thách thức nào?
+ Thách thức còn rất nhiều, đòi hỏi lãnh đạo TP và các sở, ban ngành phải nói đi đôi với làm và tốt nhất là làm nhiều hơn nói. Cụ thể, các vấn đề then chốt chính đến nay vẫn còn ở đó, trở thành thách thức lớn cho mọi nỗ lực và chiến lược hành động của TP ở phía trước.
Thứ nhất, cơ cấu kinh tế và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. TP.HCM nếu đã định vị là một TP phát triển hệ thống dịch vụ là trọng tâm, thì chúng ta phải xác định được các mũi nhọn dịch vụ cụ thể, ví dụ như ngành ngân hàng, giáo dục, y tế, logistics. Song song đó, cần bắt đầu nghiên cứu căn cơ cách xử lý, phương thức giải quyết với các ngành công nghiệp, nông nghiệp cùng quỹ đất, nhà máy, phân xưởng hiện hữu.
Thứ hai là vấn đề thể chế và quản trị. Cụ thể, việc quản lý bộ máy hành chính sao cho hiệu quả, nhất là trong tiếp dân và hỗ trợ DN là một yêu cầu cấp thiết. Mô hình chính quyền đô thị sau hơn một năm hoạt động đang được rà soát tổng kết với cả ưu lẫn nhiều bất cập phát sinh. Trọng tâm của chính quyền TP tập trung vào cải cách quản trị công trên nền tảng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cần được cụ thể, bắt đầu bằng những sáng kiến thí điểm. Ngoài ra, cơ chế thu hút, trọng dụng và lương thưởng làm sao cho phù hợp để người có năng lực về phục vụ các mục tiêu phát triển của TP.
Thứ ba là vấn đề tài chính công. Việc phải có cơ chế để sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư công đã được đặt làm trọng tâm; tuy vậy đứng trước nhu cầu thực hiện các dự án hạ tầng, đô thị và công trình kinh tế - xã hội khác nhau thì nếu chỉ có chính quyền và nguồn ngân sách là không đủ. Huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau như quyền sử dụng đất, cổ phần hóa, phát hành trái phiếu địa phương… cần được sớm lên phương án cụ thể.
Trong buổi họp tổng kết hai tháng đầu năm vừa qua, bí thư Thành ủy đã chỉ đạo rõ nét về vấn đề đất đai, bao gồm việc TP.HCM cần rà soát nhanh, quản lý chặt chẽ quỹ nhà đất, xem xét lại giá đất chuyển nhượng. Ngoài ra, cần gặp và trao đổi với các đơn vị thắng đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua để có thông điệp rõ ràng, rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho các đợt đấu giá sau này. Từ những thực tiễn vừa qua, tôi cho rằng TP cần thành lập tổ nghiên cứu các cơ chế huy động nguồn lực cho TP.HCM trong giai đoạn tới. Điều quan trọng là TP cần tiếp tục nghiên cứu để tìm kiếm sự đồng thuận với trung ương về các phương thức huy động nguồn lực qua thực tiễn của mình.
TP.HCM đang phục hồi kinh tế với tốc độ nhanh và toàn diện. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Tăng cường đồng thuận từ người dân, DN
. Việc huy động nguồn lực từ xã hội là cần thiết nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng việc huy động này phải dựa trên nền tảng “đôi bên cùng có lợi” thì việc huy động mới hiệu quả. Làm sao để được như vậy?
+ TP cần nhiều kênh huy động và nhiều mô hình hợp tác phát triển khác để hiện thực hóa các chương trình, dự án, kế hoạch của mình. Trong quá trình đó, sự đồng hành của cộng đồng DN là rất quan trọng. Tháng 3-2022, một loạt dự kiến về đối thoại, trao đổi với DN đã được UBND TP đặt ra, cùng với một số chương trình xúc tiến đầu tư vào các khu vực trọng điểm của TP.
Tuy nhiên, trước khi muốn DN đồng hành thì phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ; phải có cơ chế phù hợp để họ làm ăn hiệu quả, họ cảm nhận được sự đồng hành từ phía chính quyền thì họ sẽ đi cùng chính quyền. Nói cách khác, chúng ta làm gì cũng phải dựa trên tinh thần “DN ở với mình trước hết phải “lo cho tròn”, trước khi kêu gọi và xúc tiến các DN từ nơi khác” như ý kiến của người đứng đầu Thành ủy. Cần nhắc lại rằng kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của TP.HCM.
. Ngoài DN thì sự ủng hộ từ phía người dân sẽ đóng vai trò như thế nào đối với TP trong thực hiện chính sách phục hồi, phát triển kinh tế?
+ Sự đồng thuận của người dân để cùng lãnh đạo TP tiếp tục bứt phá nhanh trong thời gian tới là rất quan trọng. Người dân chỉ tin khi thấy tấm gương, thấy hành động ích nước, lợi nhà cụ thể. Trong bối cảnh người dân chịu nhiều tổn thương sau đợt dịch vừa qua, TP cần thêm nhiều chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần thiết thực, kịp thời. Cần nhiều “tết tri ân”, nhiều “tuần lễ tôn vinh thầy thuốc”, nhiều không gian công cộng “trên bến dưới thuyền” gắn với lịch sử, văn hóa, cộng đồng để mỗi cá nhân đều thấy mình là một phần của đô thị này, để cùng gắn bó và chung sức.
. Xin cám ơn ông!
Những vấn đề cụ thể trong tháng 3-2022 Vấn đề đầu tiên cần quan tâm chính là liệu rằng TP có xảy ra thêm một làn sóng lây nhiễm mới từ chủng mới hay không và đặc tính của làn sóng này (nếu có) sẽ như thế nào. Tiếp theo là tốc độ triển khai gói phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025 trước sức ép lạm phát năm 2022. Bên cạnh đó, TP cũng cần quan tâm đến tác động từ vấn đề chiến sự diễn ra tại Ukraine lên các hoạt động sản xuất của TP (như giá xăng dầu, hàng hóa, sản xuất). Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là tốc độ thay đổi lề lối và phương thức làm việc của các bộ phận hành chính công để có thể ứng phó với nhu cầu của DN, của xã hội trong tốc độ phục hồi và tăng tốc phát triển trong thời gian tới. |