TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm một vụ án ly hôn không quá phức tạp nhưng đã kéo dài đến bảy năm, khiến đương sự mệt mỏi, người chồng rơi vào tình huống cùng lúc có đến hai vợ hợp pháp... Cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những vi phạm không đáng có trong quá trình tiến hành tố tụng.
Ly hôn xong, đã lập gia đình mới
Năm 2012, ông L. nộp đơn ra TAND quận 1, TP.HCM xin ly hôn với bà C. Bà C. có yêu cầu phản tố tranh chấp tài sản chung.
Ngày 1-3-2013, TAND quận 1 ghi nhận hai bên thuận tình ly hôn và thỏa thuận: Bà C. trực tiếp nuôi hai con chung, ông L. cấp dưỡng 500.000 đồng/tháng. Hai bên thống nhất tài sản chung là căn nhà ở xã X., huyện Củ Chi có giá là 200 triệu đồng và đồng ý bán nhà, chia đôi giá trị. Ông L. đang cư trú tại nhà nên ưu tiên mua khi bán nhà.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
10 ngày sau khi chính thức được tự do, ông L. cưới vợ khác và sống tại căn nhà ở Củ Chi nói trên cùng gia đình mới.
Ngày 8-1-2014, Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM họp giám đốc thẩm đã hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn… nói trên của TAND quận 1. Quyết định giám đốc thẩm nhận định quyết định của TAND quận 1 vi phạm hàng loạt thủ tục tố tụng như thiếu điều luật áp dụng, thiếu phần nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thời hạn ban hành quyết định trễ một ngày, thông báo sửa chữa, bổ sung không đúng quy định…
Đương sự đâm ra có… hai vợ hợp pháp
Sau đó, TAND quận 1 thụ lý lại vụ án. Nhiều lần ông L. không đến tòa vì ông đã có hạnh phúc mới hợp pháp, ông không còn bận tâm đến chuyện cũ nữa. Còn bà C. tiếp tục phản tố về vấn đề tranh chấp tài sản chung, cấp dưỡng nuôi con, đồng thời yêu cầu ngăn chặn việc chuyển dịch quyền về tài sản đối với căn nhà đang tranh chấp.
Xác định bà C. là bị đơn có yêu cầu phản tố nên trở thành nguyên đơn, TAND quận 1 ra quyết định chuyển hồ sơ cho TAND huyện Củ Chi để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, TAND huyện Củ Chi xét thấy thẩm quyền chính xác là của TAND quận 1 nên chuyển trả lại hồ sơ.
Ngày 29-10-2015, TAND quận 1 thụ lý lại vụ án, xác định bà C. là nguyên đơn, ông L. là bị đơn. Được tòa triệu tập, ông L. nhiều lần yêu cầu ngừng việc xét xử, xin vắng mặt trong các phiên làm việc và xét xử. Ông L. không đồng ý “ly hôn” nữa, đồng thời yêu cầu xem xét trách nhiệm trong việc hủy quyết định về quan hệ hôn nhân vì hiện tại ông đang tồn tại hai quan hệ hôn nhân hợp pháp. Sau đó tại phiên tòa, ông L. tiếp tục… rút lại yêu cầu ly hôn.
Bản án sơ thẩm ngày 27-9-2018 của TAND quận 1 xác định nguyên đơn là ông L., bị đơn là bà C. HĐXX tuyên xử chấp nhận yêu cầu xin ly hôn, bà C. nuôi con, ông L. cấp dưỡng mỗi trẻ 2 triệu đồng/tháng. Bà C. được sở hữu căn nhà ở huyện Củ Chi, phải thanh toán 100 triệu đồng giá trị nhà và hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho ông L…
Ông L. kháng cáo về phần cấp dưỡng nuôi con và tài sản chung.
Nỗ lực gỡ rối cho người dân và tòa cấp dưới
Hồ sơ được chuyển lên TAND TP.HCM. Quá trình thụ lý phúc thẩm, tòa xét thấy hiện ông L. đang tồn tại hai quan hệ hôn nhân hợp pháp; tài sản chung chưa chia; ông L. không cấp dưỡng nuôi con từ khi quyết định công nhận thuận tình ly hôn bị hủy… Điều này thật sự gây khó khăn và làm mất ổn định cuộc sống của các bên. Nếu bây giờ hủy án tiếp thì chỉ làm vụ án tiếp tục kéo dài, không có lợi cho các đương sự. Trong khi bản chất của vấn đề cần giải quyết dứt điểm là tình cảm hai bên đã không còn, cần giải quyết ly hôn và tài sản tranh chấp không được định giá đúng giá trị thực tế nên ông L., bà C. đều muốn giành quyền nhận tài sản và hoàn tiền.
Lúc này, cấp phúc thẩm muốn khắc phục những sai sót của cấp sơ thẩm nhưng các đương sự không hợp tác: Bà C. không thống nhất chọn công ty thẩm định giá, không đồng ý gặp ông L., không đưa ra giải pháp hòa giải, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vợ sau của ông L. không đến tòa theo giấy triệu tập.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã dành nhiều thời gian phân tích, hòa giải, bởi theo đánh giá của các thành viên HĐXX thì “khi và chỉ khi các đương sự thỏa thuận được toàn bộ vụ án thì bản án sơ thẩm ngày 27-9-2018 của TAND quận 1 mới không bị hủy”. Bởi việc hủy án sẽ đem lại phiền toái cho đương sự, họ đã mất quá nhiều thời gian, công sức...
Sau cùng, những nỗ lực hòa giải đã thành công khi nguyên đơn, bị đơn thống nhất thuận tình ly hôn và thỏa thuận: Ông L. giao cho bà C. số tiền chia tài sản chung và cấp dưỡng nuôi con một lần là 600 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục giao tiền, ông L. sẽ được sở hữu căn nhà ở huyện Củ Chi.
Sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa là tự nguyện; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người vợ sau và các con; không trái pháp luật nên HĐXX công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Đồng thời, tòa tuyên hủy những văn bản ngăn chặn không đúng pháp luật mà TAND quận 1 đã ban hành trong quá trình giải quyết vụ án.
Hàng loạt sai sót của TAND quận 1 Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt sai sót của TAND quận 1. Thứ nhất: Đưa thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục trong quá trình tiến hành tố tụng: - Ban hành công văn ngăn chặn chuyển dịch tài sản nhưng lại không xử lý văn bản này khi bị đơn đã rút yêu cầu. - Vợ mới của ông L. hiện cư trú tại nhà đang tranh chấp và cùng ông bỏ tiền sửa chữa nhà nhưng tòa không đưa bà và các con vào tham gia tố tụng, rồi tòa quyết định giao căn nhà cho bà C. là làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. - Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định tại Điều 133 BLTTDS như ban hành văn bản ngăn chặn mà không ra quyết định, không cho đóng tiền bảo đảm… - HĐXX dừng phiên tòa là vi phạm khoản 2 Điều 259 BLTTDS. HĐXX trở lại phần xét hỏi, sau đó nghị án mà không thực hiện việc tranh luận là vi phạm Điều 263 BLTTDS. Các lần dừng phiên tòa, phiên tòa không mở, thay đổi thời gian mở phiên tòa… đều không có biên bản thảo luận của HĐXX là vi phạm nguyên tắc hội thẩm nhân dân ngang quyền theo quy định tại điểm 4 Điều 49 BLTTDS. - Đến ngày xét xử, thẩm phán lại ban hành quyết định xét xử mới với thời gian mở phiên tòa cùng ngày ban hành với thành phần HĐXX có sự thay đổi là vi phạm Điều 220 BLTTDS. Thứ hai: Vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng, thay đổi địa vị tố tụng: - Ông L. yêu cầu ngừng việc xét xử, không rút yêu cầu khởi kiện nhưng cấp sơ thẩm lại thụ lý thay đổi tư cách tố tụng. Nếu xác định bà C. là nguyên đơn thì tòa chỉ xem xét yêu cầu phản tố của bà là tranh chấp cấp dưỡng, tranh chấp chia tài sản chung vì bà không yêu cầu ly hôn. Sau khi dừng phiên tòa, thẩm phán thông báo cho bà C. nộp tạm ứng án phí tranh chấp ly hôn là vi phạm thủ tục thụ lý yêu cầu phản tố theo khoản 3 Điều 200, Điều 202 BLTTDS. - Thông báo thụ lý, quá trình tố tụng, quyết định đưa vụ án ra xét xử xác định bà C. là nguyên đơn, ông L. là bị đơn nhưng trong bản án thì hai ông bà lại đổi vai cho nhau. Thứ ba: Sai lầm về đường lối giải quyết vụ án: - Tại phiên tòa, ông L. có ý kiến nếu bà C. và ông không thỏa thuận được về tài sản, cấp dưỡng thì ông rút yêu cầu khởi kiện, đề nghị đình chỉ vụ án. Trường hợp này lẽ ra phải đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn nhưng TAND quận 1 vẫn tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn là trái với khoản 2 Điều 244 BLTTDS. - Hội đồng định giá tài sản chỉ định giá đất theo giá nhà nước. Như vậy, “có căn cứ rõ ràng cho thấy kết quả định giá tài sản không phù hợp với giá thị trường…”. Trường hợp này lẽ ra HĐXX phải cho định giá lại theo Điều 18 Thông tư liên tịch 02/2014 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã lấy giá do bà C. đưa ra tại phiên tòa để quyết định giao nhà cho bà C. với lý do bà C. tự nguyện hoàn tiền cho ông L. cao hơn giá của hội đồng định giá, có lợi cho ông L. là sự áp dụng chủ quan, tùy tiện, không có căn cứ pháp luật. |