Bà Phan Thị Bình Thuận, Đại biểu Quốc hội khóa XIV- Phó Giám đốc Sở Tư pháp, chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị gồm có ông Phan Ngọc Minh-Phó Trưởng Ban nội chính Thành ủy, ông Phạm Huy Hoàng, Cục phó Cục Thi hành án dân sự (THADS), bà Trần Thị Nga, Phó phòng quản lý công chứng-TPL, Cục Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp.
Lập vi bằng ngày càng tăng
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp- Sở Tư pháp TP, báo cáo tình hình hoạt động của TPL trên địa bàn TP. Hiện nay, TP.HCM có 11 văn phòng TPL đang hoạt động với tổng số 106 TPL hành nghề, 111 thư ký nghiệp vụ TPL và 80 nhân viên khác.
Đến nay, các văn phòng đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với tất cả 25 tòa án (bao gồm: TAND TP và 24 TAND quận, huyện), 25 Cơ quan THADS (bao gồm: Cục THADS TP và 24 Chi cục THADS quận, huyện) và đã thực hiện tống đạt hơn 450.000 văn bản với tổng chi phí tống đạt gần 38 tỷ đồng.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: KIM PHỤNG
Nhìn chung, với khối lượng tống đạt trung bình hơn 130.000 văn bản/năm, hoạt động tống đạt của TPL đã tạo điều kiện cho tòa án và cơ quan THADS tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực để tập trung vào công tác chuyên môn chính của mình là thi hành án và xét xử.
Các văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp hơn 141.000 vi bằng với doanh thu hơn 87 tỷ đồng. Số lượng vi bằng năm sau luôn gia tăng so với năm trước. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2017 số lượng vi bằng được lập tăng đột biến.
Thực tế cho thấy TPL hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu này và ngày càng được người dân, tổ chức tin tưởng, sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng TPL có vi phạm, sai sót trong việc lập vi bằng dẫn đến bị xử lý bằng hình thức đề nghị Bộ Tư pháp miễn nhiệm…
Người chết bị TPL lập biên bản vắng mặt
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Duy, Phó Chánh Văn phòng TAND TP.HCM cho biết thực tiễn công tác tống đạt của các Văn phòng TPL vẫn còn gặp một số hạn chế, vướng mắc.
Theo thống kê của TAND hai cấp tại TP.HCM, trong tổng số văn bản thực hiện việc tống đạt cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là 265.059 văn bản thì kết quả trả về phải khắc phục hoặc không sử dụng được là 7.133 văn bản. Nguyên nhân của những kết quả tống đạt không được sử dụng là do các văn bản tố tụng do Văn phòng TPL lập không đúng thủ tục theo tố tụng dân sự năm 2015.
Ông Duy nêu ví dụ, trong vụ án ly hôn mà nguyên đơn và bị đơn đều cư trú cùng một địa chỉ thì khi yêu cầu tống đạt văn bản cho bị đơn, TPL giao các văn bản cho người cư trú cùng địa chỉ ký nhận thay (người ký nhận thay lại là nguyên đơn trong vụ án).
Hoặc trường hợp người cư trú cùng địa chỉ ký nhận thay là người chưa thành niên. Từ các trường hợp trên, đương sự không nhận được văn bản tố tụng của tòa án nên không đến tòa án làm việc hoặc đương sự nhận được văn bản trễ hơn so với thời gian triệu tập, dẫn đến việc giải quyết án gặp khó khăn.
Ông phân tích, đa phần khi không thực hiện được việc tống đạt, nhân viên TPL thường ghi nhận trên các văn bản tống đạt cùng một nội dung “nhà khóa cửa, không có người nhận thay”, “đương sự không còn tại địa chỉ trên” và chuyển sang thực hiện thủ tục niêm yết tại địa phương. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả xác minh của tòa án tại công an phường thì đương sự vẫn thực tế cư trú tại địa phương nên kết quả tống đạt của TPL trong trường hợp này không thể sử dụng được.
Cá biệt, trường hợp xảy ra tại TAND huyện Bình Chánh đối với Bản án số 130 ngày 17-8-2018 về việc “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất”. Quá trình giải quyết vụ án bị đơn chết từ năm 2015 nhưng TPL vẫn lập biên bản tống đạt với nội dung bị đơn thường xuyên không có mặt tại nhà nên không thể tống đạt được.
Tương tự, trong vụ án này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã bán nhà đi từ năm 2015, TPL vẫn lập biên bản tống đạt với nội dung người này thường xuyên không có mặt tại nhà nên không thể tống đạt được. Việc trả kết quả các văn bản tố tụng do TPL tống đạt cho tòa án còn chậm, thậm chí không tìm thấy kết quả…
Tại hội nghị này, các Văn phòng TPL, VKSND TP, Cục THADS TP…cũng có báo cáo, kiến nghị liên quan đến TPL. Hội nghị cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến lập vi bằng, tống đạt văn bản…. của TPL.