Trong sáu tháng qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm, đảm bảo chất lượng, tiến độ; công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính từng bước có sự chuyển biến tích cực. Phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục giữ vững. Tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp trễ hạn giảm đáng kể....... Hội nghị Giao ban Công tác Tư pháp phía Nam sáu tháng đầu năm 2018 của 25 tỉnh, thành phía Nam chiều 19-6 cho thấy như trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tham dự và chủ trì. Hội nghị còn có sự tham gia lãnh đạo các vụ, Cục thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành.
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy trong tình hình mới còn nhiều bất cập; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa có nhiều hình thức mới, chưa tạo được bước đột phá; công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC chưa đạt được kết quả như mong muốn...
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết là địa phương đề ra thí điểm thừa Phát lại và qua bảy năm hoạt động thừa phát lại được nhận rộng như hiện nay là một điều đáng mừng.
Đến năm 2017, thừa phát lại đã lập được hơn 50.000 vi bằng, số lượng rất lớn, có ngày Sở Tư pháp TP.HCM phải nhận đăng ký đến 400 vi bằng. Lập vi bằng, giúp ích rất nhiều cho người dân và các cơ quan hoạt động tư pháp, ngày càng được người dân đón nhận.
Ở TP.HCM, các cơ quan tố tụng đã sử dụng vi bằng để giải quyết nhiều vụ án lớn, nổi cộm (tranh chấp thương hiệu, nhái nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ).
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu tại hội nghị
Song song đó, theo ông Hạnh, thừa phát lại đang xuất hiện một số vấn đề bất cập. Cụ thể khi lập vi bằng, thừa phát lại chỉ ghi nhận sự kiện hành vi xảy ra. Nhưng thực tế xảy ra nhiều vấn đề khác như không xác định được nội dung lập vi bằng để làm gì dẫn đến tiêu cực.
“Việc lập vi bằng mang đến lợi nhuận rất lớn cho thừa phát lại (thấp nhất 3 triệu đồng/vi bằng) nên một số văn phòng thừa phát lại chạy theo số lượng vi bằng dẫn đến tiêu cực. Có những văn phòng một ngày lập đến 400 vi bằng nhưng chúng ta không kiểm soát được hiệu quả thực vì không kiểm soát được nội dung lập vi bằng để làm gì. Vấn đề này Bộ Tư pháp rất tích cực hướng dẫn Sở, cả bằng văn bản nhưng hiện nay xác định nội dung lập vi bằng làm cái gì thì không xác định được. Trong khi đó nghị định về quản lý thừa phát lại chưa được thông qua, dẫn đến việc quản lý, điều hành, xử lý sai phạm trong hoạt động này vẫn còn vướng mắc” - ông Hạnh nói.
Do đó, ông Hạnh mong Bộ Tư pháp sớm có ý kiến cho Chính phủ sớm an hành các VBQPPL hướng dẫn chi tiết liên quan đến công tác này. Bên cạnh đó vấn đề tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ cũng được rất nhiều nơi quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, hoạt động Tư pháp sáu tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả tốt, giúp các cơ quan quản lý đạt được những thành tựu đáng khích lệ. “Với sự cố gắng của các anh chị em, vai trò của ngành tư pháp ngày càng được khẳng định đối với người dân và các cấp lãnh đạo. Đi đến đâu lãnh đạo địa phương cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư pháp” - bộ trưởng đánh giá.
Theo bộ trưởng, ngành Tư pháp vẫn còn những tồn động hạn chế nhất định. Trong đó công tác thẩm định, rà soát văn bản vẫn còn chưa được như mong muốn. Các văn bản ban hành cũng còn sai sót vấn đề này, vấn đề khác. Đồng thời, các nghề tư pháp xuất hiện nhiều vấn đề cần xử lý, từ công chứng đến giám định, đấu giá tài sản.
“Một điểm thách thức lớn của ngành đó là công việc ngày càng nhiều trong khi bộ máy cần phải tinh gọn, giảm biên chế. Trình độ chuyên môn của cán bộ mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra” - bộ trưởng nhận định.