Giải quyết ngay nút thắt chi phí, xăng dầu sẽ ổn

(PLO)- Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, yêu cầu cao nhất, tiên quyết nhất của xăng dầu là cung ứng phải trơn tru trong bất cứ hoàn cảnh nào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-10, liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng E5 thêm 560 đồng, lên 21.290 đồng/lít; xăng A95 tăng 560 đồng, lên 22.000 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng mạnh 1.960 đồng, lên 24.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.140 đồng, lên 22.820 đồng/lít.

Vẫn chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề

Đáng chú ý, tại kỳ điều hành hôm qua, liên bộ Tài chính - Công Thương thống nhất điều chỉnh tăng nhẹ một số chi phí định mức với kinh doanh xăng dầu, như tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các công ty phân phối xăng dầu cho biết sau kỳ điều hành chiều 11-10, mức chiết khấu mới vẫn rất thấp, tình trạng các cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa, thiếu nguồn hàng vẫn chưa được giải quyết căn cơ.

“Sau kỳ điều chỉnh, báo giá mới nhất để lấy hàng hôm nay (12-10) của một đầu mối nhập khẩu cho biết xăng A95 vẫn hết hàng, dầu diesel chiết khấu 0 đồng. Đây là mức chiết khấu giao tại kho của đầu mối nhập khẩu, cửa hàng phải chịu chi phí vận chuyển về nơi bán lẻ. Với tình trạng chiết khấu thế này, cộng với nguồn cung xăng A95 vẫn khan hiếm thì các cửa hàng xăng dầu vẫn thua lỗ. Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất tính lại chi phí trong giá cơ sở nhưng tính không đến nơi đến chốn, không giải quyết được vấn đề gì cả” - đại diện một công ty bức xúc.

Người dân chờ đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở quận 3, TP.HCM vào trưa 11-10. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân chờ đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở quận 3, TP.HCM vào trưa 11-10.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều doanh nghiệp (DN) từ đầu mối đến phân phối, bán lẻ xăng dầu đều cho biết đến nay họ không còn sức để gồng lỗ. Vì nhập tàu nào về lỗ tàu đó, mỗi ngày lỗ từ vài triệu, chục triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy theo quy mô hệ thống.

Dự kiến sáng nay (12-10), Bộ Công Thương sẽ họp với các DN đầu mối xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải, thương nhân phân phối xăng dầu, nói: Từ tháng 7 đến nay, mức chiết khấu hoa hồng cho các nhà bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm bằng 0. Trong khi đó, hiện chi phí tối thiểu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn đến khâu bán lẻ của công ty từ hơn 1.100 đồng đến hơn 1.300 đồng/lít.

“Với mức chiết khấu như trên, thương nhân chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ” - ông Hạnh nói.

Chính Bộ Công Thương đã thừa nhận vì lỗ chồng lỗ nên DN xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Từ đó, họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý III đã giảm 35%-40% so với quý II-2022.

Hai bộ đã làm hết trách nhiệm chưa?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), phân tích: Vừa qua giá xăng dầu thế giới lên rất cao, sau đó giảm liên tục. Chúng ta điều chỉnh theo giá xuống nhưng các DN đã mua xăng dầu từ trước đó 10-20 ngày khi giá cao, giờ giá xuống, họ phải bán giá thấp nên lỗ vốn. Điều này dẫn đến hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, người dân xếp hàng dài để mua xăng…

Do vậy, vấn đề mấu chốt giải quyết tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa là phải điều chỉnh lại chi phí nhất định trong kinh doanh xăng dầu để các DN bán hết số xăng dầu mua giá cao trong thời gian trước đó.

“Nếu điều chỉnh mà không tính đến việc họ đã mua xăng dầu giá đắt rồi phải bán với giá thấp, không được chiết khấu thì tình trạng đóng cửa vẫn diễn ra, an ninh xăng dầu vẫn bị đe dọa. Tình hình này hai bộ Công Thương - Tài chính cần đối thoại với các DN, đại lý xăng dầu để tìm giải pháp. Câu hỏi hai bộ đã làm hết trách nhiệm chưa rất tế nhị và rõ ràng” - ông Doanh nói.

Đại diện một công ty xăng dầu cũng cho rằng để góp phần giải quyết tốt hơn vấn đề này thì liên bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét sửa đổi một điểm rất bất hợp lý trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Đó là quy định: “Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế”. Điều này có nghĩa là tính giá bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở.

Trong khi đó, thương nhân đầu mối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Nghĩa là thương nhân bán 1 lít xăng dầu hôm nay nhưng thực chất là đã mua từ trước đó khoảng 20 ngày. Do đó, giá vốn hình thành nên giá bán 1 lít xăng dầu hôm nay phải tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới hình thành từ 20 ngày trước.

“Việc quy định tính giá bình quân các sản phẩm xăng dầu của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở là chưa tính được chính xác giá vốn xăng dầu thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải lấy quy luật lợi ích để dẫn dắt. Có như vậy, cả hệ thống xăng dầu mới trơn tru trong bất cứ hoàn cảnh nào” - vị đại diện công ty nhấn mạnh.

Kinh doanh thì phải có lãi

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho hay trong quản lý điều hành mặt hàng xăng dầu Bộ Công Thương chủ trì. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của sự việc lần này lại là vấn đề chi phí nhưng chi phí thì phải do Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tính toán. Mặc dù Bộ Công Thương đã nhiều lần gửi văn bản sang đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí nhưng Bộ Tài chính chưa chịu điều chỉnh ngay.

“Đi buôn phải có lãi, nếu quy định quá chặt thì DN sẽ khó, thị trường cũng bị tác động lớn” - ông Long cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm