Giải quyết tranh chấp bằng hoà giải đối thoại tại tòa án mang lại lợi ích về thời gian, tiền bạc, tình cảm

(PLO)- Việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải đối thoại tại tòa án mang lại nhiều lợi ích, được khái quát qua ba chữ T, gồm: Thời gian, tiền bạc và tình cảm. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-6, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện Chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề Thực thi pháp luật về hòa giải, đối thoại tại tòa án trên địa bàn TP.HCM.

Phó chánh án TAND TP.HCM bà Nguyễn Thị Thùy Dung thông tin, tính từ 1-10-2022 đến 31-3-2023 TAND hai cấp của TP nhận được 88.155 đơn khởi kiện với 6.428 đơn yêu cầu chuyển sang hòa giải, đối thoại (chiếm tỉ lệ 7,29%). Trong đó, 2.501 đơn hòa giải thành và đã ban hành 2.209 quyết định công nhận hòa giải thành, còn lại là quyết định đình chỉ do người khởi kiện rút đơn sau khi hòa giải. TAND huyện Bình Chánh là đơn vị có số lượng đơn chuyển sang hòa giải và hòa giải thành cao nhất.

Chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TP. Ảnh chụp màn hình

Chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TP. Ảnh chụp màn hình

Theo bà Dung, Ban cán sự Đảng, ban lãnh đạo TAND Tối cao, ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP.HCM cũng như các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tòa án thực hiện hòa giải, đối thoại. Các hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình và có chuyên môn cao với các thẩm phán, kiểm sát viên đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, số lượng vụ việc chuyển hòa giải thành chiếm tỉ lệ thấp xuất phát từ tâm lý người dân chưa yên tâm để hòa giải, chưa được tuyên truyền rộng rãi. Các vụ việc hòa giải thành đơn giản như hôn nhân gia đình. Đối với khiếu kiện hành chính có yếu tố nước ngoài, phức tạp; nhiều vụ việc nguyên đơn chọn hòa giải, đối thoại nhưng bị đơn không hợp tác. Cơ sở vật chất tại các trung tâm hòa giải đối thoại còn hạn chế về trang thiết bị, thiếu thư kí…

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó chánh án TAND TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó chánh án TAND TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Phó chánh án TAND TP.HCM cho biết việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải đối thoại mang lại nhiều lợi ích và được khái quát qua ba chữ T.

Về thời gian: Các tranh chấp được giải quyết triệt để mà không phải mở phiên tòa, hạn chế khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận. Thời gian giải quyết vụ việc theo hòa giải đối thoại chỉ mất hai tháng còn theo tố tụng kéo dài từ sáu tháng đến một năm tùy tính chất vụ việc.

Về tiền bạc: Theo thủ tục tố tụng dân sự thì người thi hành án phải nộp án phí. Theo Luật hòa giải đối thoại tại tòa án thì đương sự không nộp chi phí, riêng tranh chấp kinh doanh thương mại phải nộp hai triệu đồng.

Về tình cảm: Các bên tìm được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích và không rơi vào tâm lí thắng thua.

Ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM ông Lê Minh Đức cũng nhìn nhận hoà giải thành đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, giữ gìn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và các quan hệ kinh doanh. Khi hòa giải, hai bên sẽ tự thoả thuận giải quyết tranh chấp theo ý chí các bên và tự nguyện thực hiện.

Ông Đức nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp cần phát huy hơn nữa việc hòa giải đối thoại nhằm giảm tải tối đa áp lực cho toà án và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Theo Phó chánh án TAND TP.HCM có 5 điểm khác biệt giữa Luật hoà giải đối thoại tại tòa án (HGĐT) và hòa giải trong tố tụng dân sự (TTDS), tố tụng hành chính (TTHC):

Chi phí:

Theo TTDS, TTHC: Nguyên đơn phải nộp chi phí theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Theo HGĐT: Người dân không phải nộp khoản phí nào. Riêng vụ việc kinh doanh thương mại phải nộp 2 triệu đồng.

Lựa chọn người giải quyết:

Theo TTDS, TTHC: Đương sự không được chọn thẩm phán.

Theo HGĐT: Đương sự được quyền lựa chọn hòa giải viên.

Địa điểm:

Theo TTDS, TTHC: Tại trụ sở tòa án.

Theo HGĐT: Có thể tại trụ sở tòa án hoặc do các bên quyết định.

Sử dụng các thông tin:

Theo TTDS, TTHC: Phiên tòa phải tổ chức công khai trừ các trường hợp theo luật quy định. Bản án phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa.

Theo HGĐT: Trong quá trình hòa giải đối thoại, các đương sự không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ khi các bên hòa giải thành. Hòa giải viên chỉ được ghi chép và đảm bảo bí mật nội dung.

Việc sử dụng chứng cứ, tài liệu:

Theo TTDS, TTHC: Cơ quan, tổ chức được sử dụng tài liệu, lời trình bày các bên trong quá trình hoà giải đối thoại làm chứng cứ tranh luận tại phiên tòa.

Theo HGĐT: Cơ quan, tổ chức và cá nhân không được sử dụng tài liệu lời trình bày các bên làm chứng cứ trong quá trình giải quyết trừ trường hợp các bên đồng ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm