Mùa giải 2014 đã qua một nửa, các nhà tổ chức đã rất mạnh tay trừng phạt những hành vi xấu xí trên sân cỏ. Có ít nhất ba cầu thủ bị treo giò đến hết giải và có thời hạn lẫn phạt tiền cùng một số trọng tài bị truất quyền điều khiển các trận đấu vì những sai phạm đi ngược với tôn chỉ bóng đá cao thượng.
Chuyên gia bóng đá Trần Duy Long ví von giải thưởng Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM trên sân cỏ giống như một khao khát xây dựng một đời sống thượng tôn pháp luật, dân chủ và công bằng cho tất cả. Thế nên giải thưởng Fair Play là một hình thức hướng đến sự cao thượng trong bóng đá, mang một tính nhân văn cao đẹp, nâng cao ý thức văn hóa trong đời sống bóng đá cho mọi thành phần từ các ông bầu, cầu thủ, khán giả,…
Ông Long kể chuyện ngày xưa, ông cha mình chơi thể thao rất đề cao tinh thần cao thượng và vị tha. Bóng đá thời ấy phải là một ngày hội giàu ý nghĩa và luôn mang đến những điều tốt đẹp.
Ông Trần Duy Long gửi những tâm tình và sự tin tưởng ngay trong lần họp báo giải Fair Play đầu tiên năm 2012. Ảnh: XUÂN HUY
Thực tế sân cỏ Việt Nam từ lâu cũng có giải phong cách nhưng chỉ đơn thuần là cách tính đội bóng nào ít nhận thẻ vàng, thẻ đỏ nhất sau mỗi mùa giải. Nó không đi sâu vào chi tiết bằng hành động cao đẹp cụ thể lẫn đề cao phẩm chất cá nhân như giải Fair Play ở hai kỳ trao thưởng mỗi năm đều chọn ra những tập thể và nhân vật xứng đáng nhất.
Có một sự ngẫu nhiên thú vị về những trăn trở của chuyên gia Trần Duy Long khi giải thưởng Fair Play vừa khai sinh, ông đã nhắn gửi rất nhiều về khía cạnh giáo dục cho bóng đá trẻ và bóng đá học đường. Ông chỉ ra rất rõ cái nền văn hóa bóng đá phải được chăm bón ngay từ gốc. Từ thế hệ trẻ khi nhập môn bóng đá chỉ đơn giản là những người thầy tuyệt đối không vì chạy đua thành tích mà dạy cho con trẻ cay cú ăn thua.
Những suy nghĩ và góc nhìn vì một nền bóng đá cao thượng, có văn hóa là hiện thân của một đội tuyển U-19 Việt Nam làm nức lòng người với hình ảnh fair play từ giải Đông Nam Á đến châu Á đã được báo Pháp Luật TP.HCM vinh danh năm 2013.
Các chuyên gia tâm huyết với bóng đá Việt Nam đều nhìn nhận việc báo Pháp Luật TP.HCM sáng lập và duy trì giải thưởng Fair Play là một cách cổ vũ thiết thực nhất cho một nền bóng đá đẹp. Giải thưởng góp phần đưa nền bóng đá đi xa hơn và cái gốc của văn hóa bóng đá không có đất sống cho bạo lực lẫn hành động tiêu cực. Tất cả đều mong muốn bất cứ một cầu thủ trẻ nào có ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp bắt buộc phải thuộc lòng bài học về tính cao thượng và văn hóa bóng đá. Chính việc định hướng của bóng đá cao thượng là một hình thức giáo dục nhân cách cho các cầu thủ như một hành trang vào nghề hoặc nếu họ không trở thành cầu thủ thì tư tưởng fair play sẽ giúp họ trở thành một công dân tốt.
Ông Trần Duy Long thiết tha: “Tôi mong muốn báo Pháp Luật TP.HCM mãi là một chiếc cầu nối thân thiện cho giải thưởng trở thành truyền thống. Một ví dụ đơn giản nhất ở đội bóng có nhiều cá nhân đoạt giải này, chứng tỏ đội bóng ấy đang đi đúng hướng trong việc rèn luyện, giáo dục nhân cách và lối ứng xử văn hóa cho mọi thành viên CLB.
Theo tôi, giải thưởng Fair Play cố gắng quảng bá rộng rãi không chỉ trong sân cỏ mà còn trong cả đời thường. Suy cho cùng, bóng đá còn là một tấm gương phản ảnh đời sống xã hội. Trong khi đó, cuộc sống luôn hối hả, đôi khi cho ta một cảm giác trôi vụt đi thật nhanh, dễ chìm vào lãng quên. Fair Play là một sự ghi nhận cái đẹp giúp các thành viên tham gia vào bóng đá chiêm nghiệm, lắng đọng để có lối ứng xử chuyên nghiệp hơn”.
CÔNG TUẤN