Trong những bộ phim trước đây, câu chuyện đồng tính, chuyện tình của người đồng tính luôn là màu đen của nước mắt, sự cùng quẫn không lối thoát. Các nhân vật bị vùi lấp bởi những dị nghị, gièm pha hoặc họ trở thành những nhân vật phụ được chèn vào nhằm mang lại tiếng cười vô nghĩa.
Văn và Ian.
Ở Thưa mẹ con đi, khán giả sẽ thấy được khung cảnh đã khác nhiều của cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Nó phản ánh đúng với hiện thực cuộc sống ngày nay rằng đã có tình thương nhưng đâu đó còn chưa hiểu rõ nên vẫn còn lăn tăn.
Hai nam chính diễn vừa phải, dàn bao quá tốt
Thưa mẹ con đi xoay quanh hai nam nhân vật chính là Văn và Ian lần lượt do Lãnh Thanh và Gia Huy thủ vai. Người tên Văn, du học và có thời gian sống tại Mỹ và Ian là một người Việt định cư tại Mỹ. Hai người gặp nhau tại đất nước cờ sao. Họ yêu nhau như một định mệnh khi Văn tình cờ đến bệnh viện và được Ian điều trị. Cả quyết định về Việt Nam, ở một vùng quê còn nhiều nét đặc trưng. Đoàn phim sở hữu bối cảnh cảnh quê chân thực với đồng ruộng, ngôi nhà xưa… Và mọi chuyện bắt đầu, lần lượt với các nhân vật mẹ, bà nội và các cô chú, anh em trong ngôi nhà ấy.
Người đồng tính không dễ "come out" với gia đình.
Mục đích ban đầu của chuyến trở về là muốn nói ra sự thật về tình yêu của hai người với mẹ và ngần ấy người trong ngôi nhà tam đại đồng đường với sự góp mặt của NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Hồng Đào, diễn viên Hồng Ánh...
Một tình yêu nhẹ nhàng.
Phim không quá thiên vào những cảnh giường chiếu, những đoạn bày tỏ tình cảm vừa đủ chân thực... nên nhiều khán giả phải "ghen tị" trước tình yêu này. Thoại phim cũng không dùng những từ ngữ đao to búa lớn nên chuyện tình của cặp đôi trong phim cứ thế diễn ra mộc mạc, gần gũi, không huỵch toẹt trần trụi... y như tình yêu của họ.
Bên cạnh Lãnh Thanh (vai Văn), Võ Điền Gia Huy (vai Ian) thì các nhân vật trong gia đình tam đại đồng đường góp phần cho khán giả rời rạp còn bàn tán là NSƯT Lê Thiện (vai bà nội), diễn viên Hồng Ánh (vai cô Út)... Nét diễn chân thực làm phim thêm nhẹ nhàng và đời.
Nước mắt của mẹ và hai đứa con
Có lẽ nhân vật được nhớ nhiều nhất, lấy được nước mắt khán giả chính là vai mẹ do nghệ sĩ Hồng Đào đảm nhận. Đã rất lâu rồi chị mới lại xuất hiện đúng sở trường. Chị thể hiện xuất sắc vai trò của người mẹ thời hiện đại.
Lâu lắm rồi khán giả mới thấy Hồng Đào không vui nhộn kiểu gameshow.
Những đoạn quay đặc tả ánh mắt của chị khi thấy con trai và bạn của nó thân mật khiến khán giả phải ám ảnh. Người mẹ không cần con phải nói ra thì bà cũng hiểu vì đơn giản đó là con, là đứa bà rứt ruột sinh ra. Dĩ nhiên khi biết con mình đồng tính thì bất kỳ bà mẹ nào cũng sẽ có cảm xúc buồn và muốn xác định lại rằng điều đó là không đúng nhưng trong Thưa mẹ con đi, cách đón nhận đứa con trai có bạn trai khá văn minh. Dù thế nào thì đứa con vẫn là bé bỏng, vẫn cần được nuông chiều. Cảnh Văn sau lời xin lỗi, nằm co người dưới chân mẹ là phân đoạn đắt giá của phim.
Những giọt nước mắt chắc chắn đã rơi, cả người mẹ, hai đứa con và cả gia đình. Chị đã tát và bật khóc khi đứa cháu xúc phạm con mình. Chị đã khóc khi tiễn hai đứa con về Mỹ. Hai người con thì khóc vì mẹ đã là mẹ của hai đứa.
Cảnh Ian phản kháng khi bị người em họ của Văn (do Lê Công Hoàng đóng) đánh, phun nước bọt tiếp tục chứng minh người LGBT hiện tại không dễ bị tổn thương. Họ đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng vẫn cần có điểm tựa. Đó là gia đình, là những người thân thương nhất.
Dẫu còn vài câu thoại hơi sượng, nét diễn đôi chỗ ngô nghê của hai nam chính, Thưa mẹ con đi vẫn là một bộ phim đáng nhận được những tràng vỗ tay của khán giả sau khi rời rạp bởi nó đã thổi một làn gió mới vào nền điện ảnh Việt Nam.