Nhà văn Trần Hoài Dương và mối tình đầu đau đáu, lặng thầm

Ngày tìm được địa chỉ người thương năm cũ, ông chỉ đứng ngoài cổng chứ không vào gặp bởi biết cô ấy đã viên mãn bên hạnh phúc gia đình. Chỉ cần biết người xưa sống tốt, vui vẻ, hạnh phúc, ông đã cảm thấy mãn nguyện.

Nhà văn Kao Sơn xúc động chia sẻ tại toạ đàm tưởng nhớ nhà văn Trần Hoài Dương. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Câu chuyện tình yêu thầm lặng ấy được nhà văn Kao Sơn xúc động kể lại trong Toạ đàm tưởng nhớ nhà văn Trần Hoài Dương. Chương trình vừa diễn ra hôm nay (6-5), tại Hội Nhà văn TP.HCM với sự tham gia của nhiều nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà thơ, giáo viên…  cùng đại diện gia đình tác giả.

Cái nắm tay ngày chia tay mà đau đáu cả một đời

Nhà văn Kao Sơn kể rằng anh và Trần Hoài Dương biết nhau từ cuộc thi của NXB Kim Đồng diễn ra trong 2 năm. Cả hai đều đạt giải cao nhất của NXB. Ở với nhau 3 tuần, khi trại sáng tác kết thúc, một số anh em nhà văn phía Nam tổ chức chuyến đi tới Đông Bắc Tổ quốc để thăm thú một số địa danh. Lúc này, Trần Hoài Dương và vài anh em khác lại họp thành nhóm khác đi về Ninh Bình cùng Kao Sơn.

Ban đầu, Kao Sơn nghĩ rằng người anh đáng kính muốn thăm thú phong cảnh của miền đất cố đô Hoa Lư nhưng không phải. Tới tận đêm cuối chuyến về Ninh Bình, Kao Sơn mới biết Trần Hoài Dương trở về đây để mong gặp lại người xưa- mối tình đầu ông luôn đau đáu.

Trần Hoài Dương và những tác phẩm của ông sẽ sống mãi trong lòng bao thế hệ bạn đọc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Hai người yêu nhau mấy năm trời, đáng lẽ hai người đã nên duyên vợ chồng nếu không có biến động. Cuộc tình không thành, anh nói rất nhiều về mối tình ấy. Anh Trần Hoài Dương bao giờ cũng mang một mảnh nilong nhỏ để cô ấy ngồi, ngồi cách nhau xa cả mét, chỉ nắm tay nhau một lần duy nhất khi chia tay”- Kao Sơn xúc động nhớ lại.

Nhưng chiến tranh, bom đạn khiến thị xã Ninh Bình ngày ấy gần như bị san phẳng, tìm sao được. Tuy nhiên như sự sắp đặt của số phận và sự hỗ trợ của Kao Sơn, từ manh mối của trưởng phố, người chủ nhà mới,… Trần Hoài Dương đã tìm được địa chỉ của mối tình đầu.

Toạ đàm vừa diễn ra sáng nay tại Hội Nhà văn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Khoảng mười ngày sau anh về Hà Nội và cho biết đã tìm thấy cô gái ấy. Chỉ nói vậy. Mãi đến 2009 trong triển lãm văn hoá thiếu nhi ở Gò Vấp, ngày gặp lại, tôi mới biết anh ấy tới nhưng chỉ ở ngoài cổng 3,4 ngày chứ không vào. Cô ấy đã có gia đình riêng, sống rất hạnh phúc, chồng thành đạt, con cái phương trưởng, kinh tế khá lắm. Anh bảo biết cô ấy hạnh phúc, yên ổn là anh yên tâm, toại nguyện rồi. Anh không gặp trực tiếp sợ làm ảnh hưởng hay gây xáo trộn gì đó cho người xưa….”- nhà văn Kao Sơn trầm ngâm.

Trần Hoài Dương làm nên vỉa vàng như thế

Những kỉ niệm, câu chuyện về Trần Hoài Dương được các bạn văn lần lượt chia sẻ lại. Nhà văn Trầm Hương, nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Trần Quốc Toàn…rưng rưng nhớ người đã đi về “Miền xanh thẳm”.

Nhà văn Trần Quốc Toàn: "Nếu không có sổ tay của Hoài Dương sẽ mất một kho văn chương rất lớn". Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Khi đọc những tác phẩm của Trần Hoài Dương tôi rất xúc động. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh sống một mình trong căn hẻm Thích Quảng Đức. Tôi tới thăm, anh rất xúc động. Khi tiễn tôi ra cửa, ánh mắt anh thấu cảm, khó nói nên lời. Ánh mắt đó theo tôi đến tận bây giờ”- nhà văn Trầm Hương nghèn nghẹn.

Với nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, Trần Hoài Dương với ông không chỉ là người anh lớn của nghề mà còn là người bạn vong niên. Ông gọi thế hệ này là “mỏ vàng ròng”, song song phát hiện nhưng cây bút mới viết cho thiếu nhi. Trần Hoài Dương đã góp phần làm nên vỉa vàng như thế.

“Hoài Dương không bao giờ cũ. Anh ấy là một biểu tượng của thế hệ nhà văn trong sáng, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp văn học thiếu nhi. Là người thoát khỏi văn học “người tốt việc tốt”, khẳng định bản lĩnh của một cây viết. Anh không thoả hiệp với cái xấu cái ác, cái lươn lẹo cá nhân.

Nghĩ tới Trần Hoài Dương tôi nghĩ đến một ly nước trong vắt, Trần Hoài Dương tăng vi lượng lòng nhân ái cho các em. Không đao to búa lớn, anh nghiêng về thủ thỉ, tâm tình. Tôi cảm nhận những thế hệ chúng tôi và sau này nữa sẽ hiếm có một con người lành mạnh như thế”- nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận định.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Kí ức một buổi trưa, Trần Hoài Dương đến cùng với chiếc xe huyền thoại-nữ hoàng màu đỏ khiến anh nhớ mãi. Người anh kính mến đến với lỉnh kỉnh đồ đạc, mục đích là gửi nhuận bút cho Cao Xuân Sơn trong một cuốn tuyển chọn.

“Anh cũng tự tay mang đi gửi nhuận bút cho các tác giả khác, chứ ngày xưa đâu có chuyển khoản như bây giờ. Anh tận tuỵ chu đáo như vậy! Không thể đạt được vòng nguyệt quế bằng những lươn lẹo. …là những lời răn, là hành trang quý báu để tôi đi hết cuộc đời văn chương”, Cao Xuân Sơn nhớ lại. Cái buổi trưa ngày hôm ấy vẫn hiển hiện như mới ngày hôm qua.

 

Nhà văn Trần Hoài Dương được biết đến nhiều trong những trang sách giáo khoa suốt hàng chục năm nay. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Miền xanh thẳm, Cuộc phiêu liêu của những con chữ, Người tù vượt ngục và em bé trên đảo, Huyền thoại về loài chim cánh cụt…

_________

Nhà văn Trần Hoài Dương và mối tình đầu đau đáu, lặng thầm ảnh 6
Nhà thơ Trần Mai Hường đại diện chia sẻ một đoạn tham luận của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

"Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang. Bởi thế, mọi điều bình thường nhà văn Trần Hoài Dương đặt bút viết đều được thiêng liêng hóa.

Bởi thế mà Miền Xanh Thẳm của ông được dựng lên và không có một cái tên nào khác đúng với bản chất của câu chuyện này hơn nó. Tôi là kẻ sinh sau ông nhưng cũng may mắn được sống một phần những năm tháng mà nhà văn Trần Hoài Dương sống.

Bởi thế, khi đọc tác phẩm này, tôi đã được chính nhà văn dẫn tôi trở về ấu thơ của mình bằng một con đường kỳ lạ. Tôi đã tìm thấy cậu bé mang tên Thiều ở đó với toàn bộ những năm tháng cậu bé ấy sống".

(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều -  Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm