Giảm cán bộ không chuyên trách: Tăng áp lực, lo quá tải

Trong số báo ra ngày 21-12, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài “TP.HCM: Giảm cán bộ không chuyên trách, xã đông dân gặp khó” đề cập đến vấn đề cắt giảm số lượng lớn cán bộ không chuyên trách và việc này đã khiến các phường, xã đông dân gặp khá nhiều áp lực. Vậy các địa phương đã có sự chuẩn bị như thế nào để thích ứng với tình hình mới?

Cán bộ tại bộ phận một cửa quận Bình Tân hướng dẫn các thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: LÊ THOA

Không phải việc gì cũng giao về phường

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết ngay khi có hướng dẫn của UBND TP và Sở Nội vụ, quận đã triển khai cho 10 phường để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí lại người hoạt động không chuyên trách.

“Việc này đã được quận triển khai thực hiện khẩn trương, đảm bảo việc ban hành thông báo chấm dứt hợp đồng trước 30 ngày kể từ ngày giải quyết dôi dư” - bà Dung thông tin.

Theo bà Dung, từ hướng dẫn của UBND TP, các phường đã dựa trên các tiêu chí về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, độ tuổi… để sắp xếp, bố trí hợp lý. Danh sách cán bộ dôi dư được thống nhất, trao đổi giữa chủ tịch UBND phường và đảng ủy phường, đảm bảo công khai, minh bạch trước khi trình UBND quận phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng cho biết trong thời gian thực hiện sắp xếp, lãnh đạo quận Bình Tân cùng Phòng Nội vụ đã khảo sát, lắng nghe ý kiến, đề xuất của lãnh đạo các phường. Trong đó, nhiều phường kiến nghị được tăng mức khoán định biên hằng năm và đề xuất có cơ chế để phường tự chủ động sắp xếp, ký hợp đồng một số loại công việc nhằm hỗ trợ công tác. “Với ý kiến này, quận sẽ xem xét, nghiên cứu để có hướng đề xuất TP” - bà Dung thông tin.

Cũng theo bà Dung, vừa qua quận đã khảo sát nhằm tìm kiếm các việc làm phù hợp cho số cán bộ dôi dư, Phòng Nội vụ cũng thông báo việc thi tuyển công chức để các cán bộ có tâm huyết tiếp tục cống hiến.

“Các đơn vị cũng cần sắp xếp, rà soát lại các nhiệm vụ công việc giữa các cơ quan, đơn vị và phường. Quận cũng đề nghị các phòng, ban tăng tính chủ động, phối hợp, không phải việc gì cũng giao về phường, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính kết nối liên thông, giảm áp lực cho cấp phường” - bà Lê Thị Ngọc Dung nhìn nhận.

Nhiều cán bộ tại bộ phận một cửa là cán bộ không chuyên trách sẽ bị tinh giản theo Nghị quyết 06/2020. Trong ảnh: Cán bộ UBND quận Thủ Đức đang giải quyết hồ sơ cho dân. Ảnh: THANH TUYỀN

Tăng cường ứng dụng công nghệ vào công việc

Trong khi đó, ông Lâm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, thông tin: Theo dự kiến, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở 12 phường của quận dôi dư là 50.

Hiện các phường cơ bản đã hoàn tất hồ sơ gửi về quận. Phía UBND quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thẩm định để UBND quận có ý kiến phê duyệt theo thẩm quyền. Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức chia sẻ, việc giảm số lượng cán bộ không chuyên trách tạo áp lực rất lớn về công việc cho cấp cơ sở.

Ông Thanh cho biết: Trước kia, việc giao biên chế dựa trên phân loại đơn vị hành chính cấp phường, nhất là dựa trên quy mô dân số nên phường được giao ít nhất là 47 người, phường được giao nhiều nhất là 63 người. Khi thực hiện theo Nghị quyết 06/2020 thì số lượng cán bộ chuyên trách và những người hoạt động không chuyên trách ở từng phường là ngang nhau, không phân biệt phường có diện tích lớn hay nhỏ, dân số đông hay ít…

Ông cho rằng việc phân bổ này tạo ra áp lực lớn về công việc cho từng cơ quan, đơn vị trong giải quyết nhu cầu hành chính của người dân; nhất là những phường có diện tích lớn, dân số đông như Hiệp Bình Chánh (647 ha, hơn 110.000 người), Bình Chiểu (541 ha, gần 78.000 người), hay các phường có các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM trú đóng...

Về vấn đề này, phía UBND quận Thủ Đức cũng đã nhiều lần có ý kiến đề xuất TP có báo cáo, kiến nghị trung ương, Bộ Nội vụ sớm xem xét, điều chỉnh Nghị định 34/2019 trên cơ sở có xem xét đến các yếu tố về diện tích, dân số, phân loại đơn vị hành chính cấp xã…

Bên cạnh đó, quận tập trung xây dựng kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy chính quyền điện tử, hình thành một đô thị thông tin để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc và giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức của quận.

 

Lo lắng giảm cán bộ sẽ giảm chất lượng phục vụ

Những lần tôi lên phường đều thấy cán bộ ở đây làm việc rất nhiệt tình và vất vả. Phường Hiệp Bình Chánh là một trong những địa bàn đông dân, dân nhập cư nhiều, lại là phường giáp ranh nên khối lượng công việc rất lớn. Riêng về công tác trật tự xây dựng, cán bộ phải đi thực tế nhiều thì mới có thể phát hiện kịp thời các công trình xây dựng trái phép.

Tôi biết có cán bộ ngày thì tranh thủ đi thực địa rồi chiều về ngồi làm báo cáo, chưa kể phải coi và giải quyết hồ sơ, phản ánh cho dân. Ngoài ra, bây giờ chúng ta đòi hỏi mọi thứ phải nhanh và chính xác cho dân, nếu cắt giảm theo quy định thì cán bộ phường khó để phục vụ dân được tốt nhất.

LÊ THỊ KIM, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

Cần bớt các loại thủ tục, giấy tờ rườm rà

Việc tinh giản cán bộ phải tính toán làm sao để với chừng đó người vẫn xử lý tốt khối lượng công việc của phường. Nếu tinh giản để bộ máy gọn gàng, hiệu quả hơn thì tôi sẵn lòng ủng hộ. Tuy nhiên, trước khi giảm phải hiểu rõ áp lực công việc ở phường, xã là như thế nào và phải làm sao để bỏ bớt các loại thủ tục, giấy tờ rườm rà.

Trước khi giảm cán bộ, tôi cũng đề nghị phải ứng dụng tốt nhất các giải pháp công nghệ thông tin vào công việc, giúp bộ máy được vận hành một cách trơn tru hơn.

Ông HOÀNG MỨC, quận Thủ Đức

TP.HCM đang nghiên cứu cơ chế khoán kinh phí

Trước các kiến nghị của phường, xã đông dân về việc cắt giảm cán bộ không chuyên trách theo Nghị quyết 06/2020, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhìn nhận việc này là nhằm thực hiện Nghị định 34/2019 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) và được các quận, huyện tiếp tục thực hiện trong tháng 12-2020.

Theo bà Thắm, đối với các khó khăn của xã, phường đông dân, TP đã kiến nghị rất nhiều lần lên trung ương. Bà Thắm cho biết thêm là khi thực hiện nghị quyết chính quyền đô thị tại TP.HCM, với cơ chế mới về đơn vị dự toán ngân sách thì sẽ có nhiều thay đổi trong quản lý của TP.

Bà Thắm cũng khẳng định TP đang góp ý cho dự thảo nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP, trong đó có đề cập đến cơ chế khoán kinh phí. Từ đó, các địa phương có thể ký hợp đồng thời vụ với người lao động để hỗ trợ cho công tác liên ngành.

Phó giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh: TP đang nghiên cứu các cơ chế để giải quyết khó khăn cho các xã, phường đông dân khi thực hiện việc giảm cán bộ không chuyên trách và sẽ trình lại cho HĐND TP.

Trong khi đó, bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên, đại biểu HĐND TP.HCM, cho biết khi giảm một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách ở phường, xã thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, chỉ có hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến… mới giảm tải được công việc cho phường, xã đông dân. “Các đơn vị nên có phần mềm quản lý điện tử nhằm đẩy mạnh số hóa dữ liệu, giảm số người làm việc, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao” - bà Tuyên nói. Bà cũng đề nghị các cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, thí điểm các mô hình xã hội hóa dịch vụ hành chính công phù hợp với đặc thù của TP.HCM.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại biểu HĐND TP, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bình Chánh, nhìn nhận việc giảm cán bộ không chuyên trách theo Nghị định 34/2019 là việc phải thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần quan tâm đến những quận/huyện, phường/xã đông dân, từ đó lắng nghe để có cơ sở tiếp tục kiến nghị.

Đối với kiến nghị xin kinh phí để ký hợp đồng thời vụ nhằm có thêm cán bộ làm việc của các phường, xã đông dân, bà Dung cho rằng đây là điều phù hợp và cần được khảo sát kỹ. LÊ THOA 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm