Giảm dần và chấm dứt sở hữu chéo trong HTX, liên hiệp HTX và các thành viên

(PLO)- Nhà nước bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên.

Sáng 20-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với tỉ lệ 94,33 đại biểu QH tán thành.

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều, quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung quy định tại Chương II của Luật về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.

Theo đó, quy định tại Điều 18 không giới hạn về đối tượng được xem xét thụ hưởng chính sách mà chỉ đặt ra những yêu cầu cơ bản cần đáp ứng để phản ảnh đúng bản chất, tôn chỉ, mục đích phát triển đối với khu vực kinh tế tập thể; bỏ quy định tại khoản 2 Điều 17 mà chỉnh lý bổ sung Chính phủ quy định chi tiết đối với một số điều quy định về chính sách tại Chương II.

Các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX bao gồm cả chính sách đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được quy định tại các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Đại biểu QH bấm nút thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: QH

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình QH xem xét, ban hành về Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để sớm có cơ sở thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đưa các chính sách đi vào cuộc sống.

Luật cũng đã được nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 Điều 107 quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển theo chủ trương tại Nghị quyết 20/NQ-TW trên tinh thần tự nguyện thành lập. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.

Về quy định Liên hiệp HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất ba HTX là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng quy định như vậy là phù hợp với quy định về vốn góp tối đa của mỗi thành viên liên hiệp HTX không quá 40% vốn điều lệ. Trường hợp quy định liên hiệp HTX chỉ có hai thành viên thì theo quy định chỉ góp tối đa được 80% vốn điều lệ, không bảo đảm góp đủ 100% vốn điều lệ của liên hiệp HTX.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu ý kiến đại biểu QH và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX, điều kiện đối với HTX, liên hiệp HTX có thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện về sáng lập viên, điều kiện về số lượng thành viên, điều kiện về phần vốn góp tối đa tại HTX, liên hiệp HTX.

Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu và bổ sung quy định một trong các nhiệm vụ của tổ chức đại diện của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX là đánh giá hiệu quả và đóng góp kinh tế, xã hội, văn hóa từ hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên.

Luật cũng đã chỉnh lý, sửa đổi khoản 4 Điều 115 theo hướng hạn chế giảm dần và chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của HTX, liên hiệp HTX, bảo đảm phù hợp với quy định.

Theo đó, HTX đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của hợp tác xã đó kể từ ngày 1-9-2023 không được tăng tỉ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần và sau 24 tháng kể từ ngày 1-9-2023 phải thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 của Luật này.

Điều 5 của Luật quy định vai trò bảo đảm của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên. Luật công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên.

Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

Đồng thời, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động, sản xuất, kinh doanh và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới