Sáng 27-11, TAND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) tuyên trả hồ sơ vụ án “Gửi con đi chữa bệnh, nhận lại hũ tro cốt”. HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung, trưng cầu giám định ADN và tìm nguyên nhân tử vong của cháu Q (18 tháng tuổi).
Vụ án do bị cáo Lê Minh Quang và Cao Thị Thu Bích thực hiện. Hai bị cáo này bị đưa ra xét xử về tội xâm phạm thi thể do đã có hành vi đốt xác cháu Q.
Tòa trả hồ sơ là rất cần thiết
Cháu Q được gửi cho Quang, Bích để chữa bệnh và chăm sóc. Hơn 20 ngày sau thì cháu tử vong. Hai bị cáo thiêu xác cháu rồi giao cho gia đình hũ tro cốt, báo rằng cháu chết vì COVID-19. Gia đình cháu đặt nghi vấn về nguyên nhân cái chết.
Khi xét xử, tòa cần kết quả giám định tro cốt, có nghĩa là tòa còn nghi ngờ, chưa có cơ sở để khẳng định tro cốt là của cháu Q; nếu đúng là tro cốt của cháu Q thì cũng chưa rõ nguyên nhân cháu Q chết. Những yêu cầu điều tra bổ sung của tòa là hết sức cần thiết để kết luận đúng bản chất của vụ án, tránh bỏ lọt hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm cao hơn.
Nếu tro cốt không phải của cháu Q thì là tro cốt của ai? Tại sao các bị cáo lại đưa tro cốt không phải của cháu Q cho gia đình cháu? Cháu Q hiện ở đâu, còn sống hay đã chết?... Tất cả vấn đề này là cơ sở quan trọng để xác định có hành vi phạm tội hay không, tội gì; nhằm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, cũng không bỏ lọt tội phạm.
Theo khoản 3 Điều 206 BLTTHS năm 2015, nguyên nhân chết người là một trong những vấn đề bắt buộc phải trưng cầu giám định. Bên cạnh đó, việc làm rõ nhân thân, lai lịch của bị hại khi chưa đủ cơ sở xác định cũng là vấn đề cần thiết cho việc điều tra, chứng minh theo quy định tại Điều 205 và Điều 85 BLTTHS.
Các vấn đề cần được trả lời
Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra (CQĐT) có khả năng thực hiện được hai vấn đề mà tòa yêu cầu hay không?
Để thực hiện, CQĐT cũng như tổ chức giám định tư pháp trong vụ án này chỉ còn dựa vào đối tượng cần giám định là tro cốt. Hiện nay tro cốt đã được chôn cất nên cần thiết phải khai quật để thu thập đối tượng cần giám định.
Trong vụ án này, kết quả giám định ADN của tro cốt cần trả lời được các câu hỏi: Tro cốt đó có phải của người hay không, của người bao nhiêu tuổi? So sánh ADN của tro cốt với ADN của cha cháu Q có cho ra kết quả có quan hệ huyết thống cha - con hay không?
Về giám định nguyên nhân chết, cũng chỉ còn dựa vào tro cốt để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề: Cốt còn lại là của bộ phận nào trên cơ thể? Trên cốt có để lại dấu vết bị tác động ngoại lực hay không; nếu có thì số lần, chiều hướng bị tác động, lực tác động, loại vật tác động, sự tác động đó có đủ dẫn đến chết hay không? Hoặc có độc tố nào trong tro cốt hay không, độc tố đó có phải là nguyên nhân gây tử vong hay không?
Tuy nhiên, nếu kết quả giám định ADN của tro cốt xác định không phải là của người thì không cần giám định nguyên nhân chết. Lúc này, bản chất của vụ án đã thay đổi hoàn toàn.
Nếu xuất hiện chứng cứ mới thì sao?
Nếu không thể giám định ADN tro cốt thì tạm thời CQĐT phải sử dụng các tài liệu, chứng cứ hiện có để kết luận vụ án.
Tuy nhiên, khi điều tra bổ sung, CQĐT có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ hơn, sâu hơn để thu thập chứng cứ mới. Nếu vẫn không thu thập được chứng cứ gì mới thì phải khép lại vụ án. Nếu sau này xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi bản chất của vụ án thì có thể lật lại vụ án này...
Có giám định được ADN tro cốt?
Hiện nay, quy trình nghiệp vụ giám định ADN, giám định nguyên nhân chết, giám định độc tố được hướng dẫn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 13/2022 của Bộ Y tế (Quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y).
Theo hướng dẫn của các quy trình này, đối tượng cần giám định ADN hoặc giám định độc tố trong vụ án này phải còn tồn tại ít nhất là dưới dạng răng hoặc xương chưa bị cháy đến mức không thể tách chiết ADN được và phải đủ số lượng, hàm lượng nhất định. Còn để xác định nguyên nhân chết có phải do ngoại lực tác động hay không thì lại cần nhiều xương còn nguyên vẹn hơn mới có thể đánh giá được.
Tuy nhiên, thực tế hai bị cáo khai đã đốt thi thể cháu Q rồi lấy tro cốt cho vào hũ, giao cho gia đình cháu. Điều này cho thấy khả năng không còn hoặc không đủ đối tượng để giám định.
Trong trường hợp không đủ điều kiện để giám định thì tổ chức giám định sẽ từ chối giám định theo khoản 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 54/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp cũng như được hướng dẫn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 13/2022 của Bộ Y tế. Lúc này, đồng nghĩa với việc yêu cầu của tòa không thể thực hiện được do yếu tố khách quan.•
Thực tiễn giải quyết những vụ đốt thi thể
. Vụ án xâm phạm thi thể (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) do bị cáo Lê Thị Hường thực hiện năm 2012: Bị cáo khai bị hại bị điện giật chết tại nhà của bị cáo nên bị cáo đã đốt xác bị hại. Dù còn nhiều nghi vấn nhưng do thi thể đã bị đốt cháy, không thể giám định được nguyên nhân chết nên tòa phải kết luận vụ án như lời khai của bị cáo.
. Vụ án Đỗ Văn Minh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng): Minh giết cháu vợ vào ngày 4-5-2020. Sau đó, Minh mang thi thể bỏ lên ghế lái ô tô của Minh, lấy đồng hồ của Minh đeo vào thi thể rồi đốt xe và đốt xác nạn nhân. Mục đích của Minh là giả hiện trường vụ tai nạn giao thông và đánh lừa cơ quan chức năng là Minh đã chết để né nghĩa vụ trả nợ, để vợ con được hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, vụ án này còn đủ điều kiện để giám định nên CQĐT tìm được tung tích nạn nhân, nguyên nhân chết, nguyên nhân cháy xe và diễn biến vụ án. Do đó, bị cáo đã không đạt được mục đích.