Giám định khi thế này, lúc thế khác

Do có quan hệ quen biết từ trước nên T. cho ba mẹ của Hoàng Trọng Anh Bảo mượn tiền. Sau đó, T. cho rằng ba mẹ Bảo trả nợ chưa đủ nên ngày 21-10-2010 T. đến đòi nợ và xảy ra cãi vã với mẹ của Bảo. Tức giận, cha mẹ Bảo đến nhà T. để nói chuyện phải trái. Khi đi, Bảo chở mẹ và Hoàng Trọng Nhật (chú ruột của Bảo) chở cha của Bảo. Tới nơi, hai bên tiếp tục xảy ra cãi vã, T. dùng tay chỉ vào mặt Nhật, Nhật đấm liên tiếp vào mặt T. rồi bỏ chạy. Khi Nhật bỏ chạy, Bảo dùng dao (trong bếp nhà T. ) đâm một nhát vào lưng T. và vung dao trúng mi mắt của T.

Đình chỉ điều tra sau bốn lần giám định

Sau khi sự việc xảy ra, T. được đưa đến bệnh viện. Ngày 9-11-2010, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế có kết luận giám định nạn nhân bị thương tật 32% tạm thời. Trong đó, đa vết thương phần mềm vùng mặt và lưng là 5%, đa chạm thương phần mềm vùng đầu, cổ và thân thể đang điều trị là 5% tạm thời, chấn thương hốc mắt là 25%.

Tiếp đó, ngày 10-1-2011, trung tâm pháp y này giám định lại và cho ra thương tích 37% (trong đó đa vết thương phần mềm vùng mặt và lưng là 3%, đa vết thương phần mềm vùng đầu, cổ và thân thể là 0%, chấn thương vùng hốc mắt là 35%).

Bốn tháng sau, cũng chính trung tâm pháp y này có kết luận giám định mới với thương tật chỉ có 3%, trong đó chấn thương mắt là 0%.

Kèm theo đó, đầu tháng 1-2011, nạn nhân cũng có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án và đề nghị miễn truy tố Nhật và Bảo.

Do cùng một cơ quan giám định nhưng cho kết quả khác nhau nên ngày 19-6-2011, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định trưng cầu giám định của Viện Pháp y Quốc gia. Theo đó, cơ quan này đã ra kết luận nạn nhân bị thương tích 4%.

Căn cứ bản giám định của Viện Pháp y Quốc gia kèm theo bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố nên Cơ quan CSĐT TP Huế đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Nhật và Bảo.

Lấy kết quả ban đầu làm căn cứ?

Tuy nhiên, sau đó VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng phải lấy kết quả giám định thương tật 32% ban đầu làm căn cứ mới đúng. Từ đó, cơ quan này đã yêu cầu hủy quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can để phục hồi điều tra.

Trong bản kết luận điều tra vụ án, Công an TP Huế nêu rõ quan điểm: “Không đồng tình và vẫn bảo lưu quan điểm lấy kết quả giám định của Viện Pháp y Quốc gia với tỉ lệ thương tật 4% để làm căn cứ nhưng VKS không chấp nhận. Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT TP Huế phải chấp hành và tổ chức thực hiện theo yêu cầu của VKS” (trích nguyên văn kết luận điều tra).

Sau đó, VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định hủy quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can. Ngày 17-3-2014, vụ án được phục hồi điều tra sau gần ba năm đình chỉ.

Mới đây, vụ án được TAND TP Huế xử sơ thẩm. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng thương tích gây ra cho nạn nhân là 32% là quá cao và xin tòa xem xét lấy thương tích hai lần giám định sau làm cơ sở xét xử. Riêng bị cáo Nhật thì cho rằng mình có đánh nạn nhân nhưng chỉ đấm và sau đó bỏ chạy; việc Bảo dùng dao đâm gây thương tích cho nạn nhân là phản ứng bất ngờ, Nhật không hề hay biết.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hai bản giám định sau thương tích chỉ có 3% và 4% nhưng hai lần giám định này là vào thời điểm thương tích của nạn nhân đã được điều trị ổn định nên không có cơ sở xem xét. Tòa nhận định việc lấy thương tích của bản giám định lần đầu là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Từ đó, tòa tuyên phạt Bảo và Nhật mỗi người hai năm sáu tháng tù, cùng về tội cố ý gây thương tích.

Các bị cáo và gia đình cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo.

Nên xem 4% là thương tật vĩnh viễn?

Việc cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý giám định lại nghĩa là mặc nhiên đồng ý giám định lại để giải thích sự nghi ngờ về kết quả giám định. Nhưng rồi cơ quan tố tụng không lấy kết quả giám định lần sau là đã tự mâu thuẫn với chính mình và mâu thuẫn với cơ quan giám định pháp y. Vậy ra các bản giám định sau này là vô nghĩa? Nếu vậy thì ngay từ đầu cơ quan tố tụng chẳng cần giám định lại làm gì!

Theo tôi, việc lấy kết quả giám định thương tật 32% để truy cứu các bị cáo là không đúng. Ở đây, cần phải lấy kết quả giám định sau cùng làm căn cứ xét xử cho bị cáo. Điều này đảm bảo xét xử theo hướng có lợi cho bị cáo. Mặt khác, giám định thương tật dù bị ảnh hưởng bởi thời gian nhưng các chuyên gia giám định sẽ đánh giá đúng theo chuyên môn và thương tật 4% này có thể được xem là thương tật ổn định hay thương tật vĩnh viễn là hoàn toàn hợp lý.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới