Vốn là bạn bè của nhau nên bà Châu Thị Ngọc Chân (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) nhiều lần hỏi mượn tiền của bà Đinh Thị Kim Loan. Đến ngày 15-5-2012, hai bên ngồi kết nợ và cùng nhau viết tay một tờ biên nhận với nội dung bà Chân còn nợ bà Loan 330 triệu đồng (chỉ có một bản do bà Loan giữ). Rắc rối bắt đầu phát sinh từ tờ biên nhận này khi bà Chân bảo số tiền trên là cả gốc lẫn lãi, còn bà Loan thì nói đó chỉ là tiền gốc, chưa tính lãi. Cuối cùng hai bà đưa nhau ra tòa nhờ phân xử.
Đã “tất cả” còn “tổng cộng”
Nội dung tờ biên nhận bà Loan làm cơ sở khởi kiện bà Chân có nội dung: “Tôi là Châu Thị Ngọc Chân có mượn của chị Đinh Thị Kim Loan số vốn tất cả tổng cộng 330 triệu đồng, nay tôi làm giấy biên nhận này là sự thật, tôi hứa nếu sai tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, chữ “tất cả” trong giấy biên nhận có dấu mực tô đậm, có dấu hiệu bị cạo sửa ghi chèn lên chữ khác nguyên gốc.
Bà Chân cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm thiên lệch, thiếu khách quan. Ảnh: T.TÙNG
Trả lời tòa, bà Loan khẳng định tờ biên nhận là nguyên gốc, hai chữ “tất cả” do bà Chân tô đậm trước khi ký vào tờ biên nhận. Trái lại, bà Chân cho rằng nguyên gốc của chữ “tất cả” là hai chữ “lẫn lãi” để hợp lại thành cụm từ “số vốn lẫn lãi tổng cộng…”. Mặt khác, cụm từ “số vốn tất cả tổng cộng…” không hợp logic và không đúng ngữ pháp. Bà cho rằng bà Loan đã cố tình tẩy xóa và thêm hai chữ “tất cả” vào để biến số tiền trên thành tiền gốc rồi đòi tính lãi trên số tiền này. Bà Chân yêu cầu tòa cho giám định tờ biên nhận để cơ quan có thẩm quyền kết luận đó là hai chữ gì nhưng TAND huyện Chợ Gạo không đồng ý vì cho rằng không cần thiết.
Tháng 9-2013, TAND huyện này xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Loan, buộc bà Chân phải trả cho bà Loan số tiền gốc (330 triệu đồng) và lãi hơn 47 triệu đồng.
Bà Chân kháng cáo và yêu cầu cấp phúc thẩm trưng cầu giám định chữ viết trong tờ biên nhận.
Giám định ra nhưng vẫn thua kiện
chấp nhận yêu cầu của bà Chân, cuối năm 2013 TAND tỉnh Tiền Giang đã trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang. Đầu năm 2014, cơ quan giám định gửi tòa kết quả giám định với nội dung: “Chữ tất cả trên biên nhận đã bị chỉnh sửa. Nội dung ban đầu đọc được là chữ “lãi” tại vị trí chữ “cả”. Chữ “tất” bị chỉnh sửa, tô đồ lại chồng nét và mất các nét ban đầu nên không biết nguyên gốc là chữ gì”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Tiền Giang vẫn bác kháng cáo của bà Chân, tuyên y án sơ thẩm. Tòa nhận định: Dù kết quả giám định thể hiện đây là tiền vốn lẫn lãi như bị đơn trình bày nhưng nguyên đơn cho rằng việc sửa chữa được thực hiện trước khi bà Chân ký tên. Bà Chân không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh việc sửa chữa diễn ra sau khi bà ký (do chỉ có một tờ biên nhận, bà Chân không lưu giữ - PV). Do đó tòa không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Chân.
Mới đây, bà Chân đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu được xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm vì cho rằng bản án thiên lệch, thiếu khách quan. TAND Tối cao cũng gửi thông báo cho bà biết là cơ quan này đã nhận được hồ sơ. Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi vụ án có diễn biến mới. Tuy nhiên, qua vụ án này, một kinh nghiệm pháp lý quan trọng cần rút ra là: Phàm giấy tờ liên quan đến giao dịch dân sự nên làm ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản để khi có tranh chấp còn có cái để so sánh, đối chiếu.
THANH TÙNG
Sai sót khi kê biên tài sản bảo đảm Trong đơn kiến nghị giám đốc thẩm, bà Chân trình bày tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của bà là lô đất thuộc tờ bản đồ số 332. Nhưng trước đó lô đất này vợ chồng bà đã thế chấp tại một quỹ tín dụng để vay vốn chăn nuôi (có hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp). Tuy nhiên, tòa không xác định quỹ tín dụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, không đưa họ tham gia vào vụ án để ghi nhận ý kiến của họ là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bởi đây là tài sản bảo đảm, nếu bà không có tiền trả nợ và cơ quan thi hành án tự mang bán thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của quỹ tín dụng. |