Ngày 7-1, ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Đray Sáp, cho biết địa phương rất vui khi một người tại địa phương kêu gọi được 5 tỉ đồng để mở rộng kinh doanh, đưa hương cà phê mang thương hiệu của người Ê Đê vươn ra thị trường.
Mơ "bay cao" cùng cà phê rang khói
Những ngày gần đây, không khí tại Công ty TNHH Ê Đê Café (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) nhộn nhịp hơn hẳn.
Bên trong, nhóm công nhân người sàng hạt, người nhóm lửa, người đóng hàng… ai nấy cũng tất bật làm việc, mùi cà phê thơm nức tỏa ra khắp nhà.
Bên ngoài, một khu kho xưởng mới rộng chừng 300 m2 đang được thợ thi công. “Tôi cho xây kho xưởng khép kín. Tới đây, việc sản xuất cà phê sẽ tách biệt hoàn toàn với bên ngoài”, ông Y Pốt Niê (36 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café, mở đầu câu chuyện.
Vừa qua, trong chương trình Shark Tank mùa 6, ông Y Pốt đã kêu gọi được 5 tỉ đồng từ Shark Hùng Anh. Sau khi kêu gọi thành công số vốn nói trên, ông Y Pốt trở về Đắk Lắk, bắt tay ngay vào việc mở rộng quy mô kho xưởng, nhà máy sản xuất cà phê.
Theo ông Y Pốt, trước đây vì kinh tế hạn hẹp, ông chưa thể phát huy hết tiềm lực kinh doanh. Do đó, khi có thêm vốn, ông liền tận dụng để tập trung sản xuất mặt hàng cà phê rang khói, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Y Pốt giải thích, cà phê rang khói là loại cà phê được rang thủ công theo cách cổ truyền của người dân tộc Ê Đê, có hương vị đặc trưng, đậm đà, riêng biệt.
“Mùi khói trộn lẫn mùi cà phê sẽ tạo ra một hương vị đặc biệt. Đây là công thức rang cà phê mà tôi tiếp thu từ thời ông cha truyền lại và cải tiến thêm. Với số vốn vừa kêu gọi được, tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất cà phê rang khói để tung ra thị trường”, ông Y Pốt nói.
Cũng lời ông Y Pốt, ngoài việc định hướng các dòng sản phẩm, ông sẽ tập trung mở rộng vùng sản xuất cà phê hữu cơ nguyên liệu từ 50 ha hiện có lên 200 ha. Ông Y Pốt hy vọng, trong năm 2024, sẽ xuất khoảng 10 tấn cà phê rang khói thành phẩm ra các nước.
Cơ hội mới cho buôn làng
Theo tìm hiểu của PLO, năm 2011, ông Y Pốt tốt nghiệp y sĩ Trường Cao đẳng Y dược Đà Nẵng. Sau đó, ông học thêm chuyên tu và làm việc tại một số bệnh viện ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, TP Buôn Ma Thuột.
Đến tháng 8-2019, do “máu” kinh doanh, ông Y Pốt xin nghỉ việc, về quê thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café để khởi nghiệp.
Thời gian đầu mới thành lập công ty, ông Y Pốt phải đối diện rất nhiều khó khăn. Ông đã liên tục học hỏi, “cõng” sản phẩm cà phê của mình xuôi ngược khắp các hội chợ để quảng bá.
Ngoài ra, ông Y Pốt tự trau dồi kiến thức tiếng Anh để tiếp cận bạn hàng, quảng bá sản phẩm cà phê trên các sàn giao dịch nước ngoài.
Nhờ cần mẫn, chăm chỉ học hỏi và bí quyết rang xay riêng biệt, hiện sản phẩm cà phê của ông Y Pốt đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm cà phê rang khói (cà phê hạt rang, cà phê bột các dòng: Abarica, Robusta...) của ông Y Pốt còn cung cấp cho bạn hàng ở các nước như: Nhật Bản, Đức, Canada…
Việc ông Y Pốt khởi nghiệp thành công với cà phê khiến bà con trong buôn làng rất phấn khởi, sẵn sàng hợp tác với ông để mở rộng thêm vùng trồng nguyên liệu.
Ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Đray Sáp, nhận xét việc ông Y Pốt mở rộng vùng trồng cà phê hữu cơ là cơ hội để bà con trong buôn làng phát triển kinh tế. Do đó, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để ông Y Pốt mở rộng vùng liên kết sản xuất.
“Tôi vui lắm. Việc liên kết trồng cà phê hữu cơ sẽ cho đầu ra ổn định, giá thành cao nên bà con được hưởng lợi, có thêm thu nhập. Cà phê rang khói là cách rang cà phê đặc biệt của người Ê Đê chúng tôi. Tôi mong bà con sẽ đồng hành cùng ông Y Pốt, đem hương vị của cà phê Ê Đê vươn xa trên thị trường”, ông Y Jú nói.
Năm 2021, sản phẩm cà phê Robusta của ông Y Pốt được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2022, ông Y Pốt vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân Việt Nam xuất sắc. Từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại, công ty của ông Y Pốt đã có doanh thu 10 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 1,6 tỉ đồng từ việc kinh doanh cà phê.