Chiều 5-1, trại giam Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện quyết định của VKS tỉnh này cho ông Phạm Văn Minh (nguyên giám đốc Công ty Phú An Sinh) được tại ngoại điều tra sau gần một năm bị tạm giam. Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm vào cuối năm 2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm phạt ông 19 năm tù để điều tra, xét xử lại.
“Ăn” tiền từ dịch heo tai xanh
Ông Minh bị cáo buộc có sai phạm trong việc thực hiện hai chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2010. Cụ thể, Công ty Phú An Sinh đã nhận tạm ứng 35 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình phòng, chống dịch heo tai xanh nhưng chỉ dùng 10 tỉ đồng. Với chương trình bình ổn giá tết Tân Mão 2011, công ty nhận 16,5 tỉ đồng nhưng chỉ dùng 560 triệu đồng. Số tiền còn lại ông Minh sử dụng vào mục đích riêng nên bị khởi tố, truy tố về tội sử dụng trái phép tài sản.
Cuối năm 2015, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không đồng ý tội danh trên nên đã trả hồ sơ yêu cầu xem xét về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đồng thời đề nghị điều tra làm rõ một số người khác có hành vi giúp sức cho Minh phạm tội. Quá trình điều tra bổ sung kết luận không có căn cứ để khởi tố thêm ai với vai trò giúp sức. Về tội danh thì cơ quan điều tra đồng ý với quyết định trả hồ sơ của tòa. Tháng 2-2016, TAND tỉnh tuyên phạt ông Minh 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc ông phải bồi thường hơn 7,3 tỉ đồng cho Sở Công Thương và 33,5 tỉ đồng cho Sở NN&PTNT tỉnh. Ông Minh kháng cáo.
Ông Minh trong ngày được tại ngoại. Ảnh: HY
Căn cứ buộc tội mù mờ
Tại tòa phúc thẩm Minh kêu oan, cho rằng không chiếm đoạt tiền ngân sách, chỉ là do làm ăn thua lỗ dẫn tới chậm thanh toán cho tỉnh. Bị cáo chỉ sử dụng sai mục đích tiền chứ không có hành vi cấu thành tội danh như tòa sơ thẩm quy kết.
Luật sư của ông lập luận bản chất hai chương trình mà Sở Công Thương, Sở NN&PTNT ký với Công ty Phú An Sinh là các thỏa thuận được ấn định tại hợp đồng thương mại (theo Luật Thương mại). Nếu những nghĩa vụ thương mại trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không tốt thì không thể lấy hậu quả pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi kết luận điều tra ban đầu và bổ sung thì mô tả hành vi của Minh gần như giống nhau nhưng cơ quan tố tụng vẫn chuyển tội danh. Như vậy cơ sở để truy tố Minh về tội lạm dụng là không có vì không có lập luận nào khác tội danh ban đầu…
Đại diện VKSND Cấp cao tại tòa cho rằng quá trình thẩm vấn cho thấy có nhiều điểm chưa rõ về số tiền hơn 40 tỉ đồng mà bị cáo chưa thanh toán. Bị cáo chiếm đoạt bao nhiêu trong số tiền này, chưa làm rõ nguyên nhân khách quan và có việc ai giúp sức cho Minh phạm tội không. Những vấn đề này không thể bổ sung tại tòa nên cần hủy án để điều tra lại mới đảm bảo tính khách quan.
HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm nhận định Minh lập sáu báo cáo với nội dung gian dối về việc sử dụng vốn để chiếm đoạt tài sản là không phù hợp với tài liệu điều tra và diễn biến tại tòa. Căn cứ để cho rằng bị cáo có thủ đoạn gian dối che giấu việc sử dụng tiền không đúng mục đích nhằm chiếm đoạt chưa chắc chắn. Ngoài ra còn nhiều tình tiết khác chưa được làm rõ nên cần hủy toàn bộ án sơ thẩm.