Phú An Sinh nhận tiền một nơi, bán hàng nhiều nẻo

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin ngày 18-7, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt ông Phạm Văn Minh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Chế biến Thực phẩm Phú An Sinh, về tội sử dụng trái phép tài sản.

Sử dụng tiền không đúng

Trong ngày 19-7, cơ quan điều tra tiếp tục làm việc với ông Minh. Sắp tới, công an sẽ mời một số cá nhân trong công ty để làm rõ thêm việc công ty sử dụng trái phép 16,5 tỉ đồng tiền bình ổn.

Theo cơ quan tố tụng, dịp tết 2011, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ủy quyền cho Sở Công Thương ký hợp đồng, trích ngân sách 16,5 tỉ đồng cho Phú An Sinh vay không lãi để tham gia chương trình bình ổn giá tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Phú An Sinh chỉ bán hàng với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng tại địa bàn này. Còn hàng từ nguồn vốn trên được bán tại các tỉnh khác như Đồng Nai, TP.HCM, Long An… và mang trả nợ ngân hàng. Theo thống kê, từ nguồn vốn trên, Phú An Sinh thu về số tiền khoảng 41 tỉ đồng.

Trong hợp đồng cũng ghi rõ chương trình bình ổn giá kéo dài từ ngày 30-11-2010 đến 30-5-2011. Khi kết thúc, Công ty Phú An Sinh phải hoàn trả toàn bộ số tiền nhưng tới khi bị khởi tố, Phú An Sinh vẫn còn nợ hơn 12 tỉ đồng.

Tương tự, với số tiền 35 tỉ đồng mà Sở NN&PTNT ký ứng vốn để Phú An Sinh thu mua heo trong mùa dịch heo tai xanh năm 2010, công ty chỉ sử dụng 21 tỉ đồng đúng cam kết. Số còn lại công ty sử dụng vào mục đích khác và trả nợ ngân hàng. Do vậy, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự, công ty sử dụng trái phép nguồn vốn Nhà nước nên sẽ kháng nghị hủy quyết định hòa giải thành do TAND huyện Tân Thành lập hồi tháng 11-2011 để xử lý hình sự.

“Không có vấn đề gì, trừ việc trả vốn”

Ngược lại với cơ quan tố tụng, bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Tổng kết chương trình bán hàng bình ổn giá, Phú An Sinh là đơn vị thực hiện bán bình ổn đạt kết quả tốt nhất. Sở đều có kiểm tra giám sát việc bán hàng về số lượng cũng như địa điểm bán. Mọi việc đều không có vấn đề gì chỉ trừ việc hoàn trả vốn. Qua kiểm tra, Sở này thấy công ty tham gia chương trình bình ổn giá tại TP.HCM trong nhiều năm liền, có uy tín trên thương trường. Các tiêu chí tỉnh đặt ra Phú An Sinh đều đạt nên Sở chọn giao vốn (cùng ba đơn vị khác - PV) để bán hàng bình ổn giá. Đây là hợp đồng tín chấp nên chỉ cần dựa trên năng lực, uy tín, kết quả kinh doanh của Phú An Sinh là được chọn để cấp vốn mà không cần thế chấp tài sản.

Bà Hường cũng cho biết Sở đã nhiều lần thúc giục Phú An Sinh trả nợ. Công ty này cũng nỗ lực trả (trước khi ông Minh bị khởi tố, công ty đã trả 100 triệu đồng cho Sở) nhưng do gặp khó, công ty không có khả năng trả. Bà Hường cho là Phú An Sinh chỉ vi phạm là chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Ai sẽ điều hành công ty khi giám đốc bị bắt

Trong trường hợp người đại diện pháp luật của công ty bị bắt thì người này phải làm thủ tục ủy quyền lại cho người khác làm đại diện. Trường hợp người bị bắt không chịu làm thủ tục ủy quyền thì những thành viên khác có thể tổ chức họp để bầu người khác.

Trường hợp chủ DNTN bị bắt thì cũng cần ủy quyền lại cho người khác điều hành doanh nghiệp.

QN

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm