Trả lời các câu hỏi của ĐB, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết vào năm 2012 trước khi có khách sạn Mường Thanh thì TP Tam Kỳ không có một cơ sở, một nơi tổ chức hội nghị, hội thảo và nơi lưu trú đúng nghĩa.
Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam giải trình trong kỳ họp. Ảnh: TPO
“Cả TP thời điểm bấy giờ chỉ có vài khách sạn nhưng không đủ tầm cỡ, do đó để tổ chức các hội thảo lớn và đón tiếp khách phải ra TP Hội An và TP Đà Nẵng. UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy việc đầu tư một nhà khách mang đủ tầm cỡ để tổ chức các hội nghị tầm quốc tế, đón khách quốc tế và trung ương là cần thiết, sáng suốt" - ông Bảo nói.
Theo đó, ngày 18-1-2013, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt xây dựng công trình nhà khách từ nguồn ngân sách 165 tỉ đồng. Dự án hoàn thành vào tháng 3-2015, tổng mức đầu tư đội lên 188 tỉ đồng. Đến nay đã bố trí được 168 tỉ đồng. Hiện nay UBND tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Du lịch Hội An để quản lý, khai thác với thời gian 10 năm, qua thời gian trên sẽ hoàn trả lại số tiền cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng (Phó ban Pháp chế HĐND) cho rằng thủ tục và quy trình đầu tư xây dựng nhà khách của UBND tỉnh không đúng, công trình này không có trong danh mục đầu tư của nghị quyết HĐND tỉnh nhưng vẫn được phê duyệt.
Trước câu hỏi này, ông Lê Phước Thanh (Trưởng đoàn ĐBQH, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam) cho rằng việc đầu tư nhà khách là đúng, không sai. “Công trình giao cho doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Hội An kinh doanh là để lấy lại vốn. Công trình được đưa vào danh mục đầu tư và đúng quy định pháp luật. Biết là giao cho doanh nghiệp kinh doanh lâu hoàn vốn lại nhưng phải chấp nhận nhưng sau đó mình có được công trình. Nếu trước đó Tập đoàn Mường Thanh mà đầu tư xây dựng khách sạn ở TP Tam Kỳ trước thì tỉnh chắc chắn là không đầu tư nhà khách” - ông Thanh nói.