HĐND TP.HCM thông qua đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn để tạo điều kiện phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân xoay quanh đề án này.
Cơ cấu số lượng phải đảm bảo tinh gọn bộ máy
. Phóng viên: HĐND TP.HCM vừa thông qua việc tăng thêm cán bộ nhưng có khung quy định khác so với quy định tại Nghị định 33/2023. Tại sao lại có sự khác biệt này, thưa ông?
+ Ông Huỳnh Thanh Nhân: Theo Nghị định 33/2023, số lượng cán bộ, công chức và NHĐKCT cấp xã được giao theo phân loại đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có dân số, diện tích lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính số lượng công chức, NHĐKCT ở cấp xã cần tăng thêm và không giới hạn định mức tăng.
Theo đề án vừa được HĐND TP thông qua, các phường, xã, thị trấn có từ đủ 100.000 dân sẽ được bố trí tối đa 28 cán bộ, công chức và 23 NHĐKCT. Các phường, xã, thị trấn có từ đủ 50.000 dân, tối đa là 27 cán bộ, công chức và 22 NHĐKCT.
Các phường, xã, thị trấn có từ đủ 30.000 dân, bố trí tối đa 25 cán bộ, công chức và 20 NHĐKCT. Đối với các phường, xã, thị trấn dưới 30.000 dân, bố trí tối đa 24 cán bộ, công chức và 20 NHĐKCT.
Cụ thể, phường có dân số từ đủ 15.000 người thì cứ 5.000 người được tăng thêm một công chức và một NHĐKCT. Xã, thị trấn có dân số đủ 8.000 người thì cứ 4.000 người được tăng thêm một công chức và một NHĐKCT. Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích được tăng thêm một công chức và một NHĐKCT.
Tại TP.HCM, hiện có 217/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ đủ 15.000 người trở lên. Trong đó, 52/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ đủ 50.000 người. Nếu thực hiện tăng công chức, NHĐKCT theo Nghị định 33 thì số lượng cần bổ sung là rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống trụ sở hành chính cấp xã hiện nay có thể không đáp ứng được ngay các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... khi tăng số lượng lên quá nhiều cùng một lúc.
TP.HCM cũng đang rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Nếu tăng theo quy mô dân số tại Nghị định 33 sẽ làm dôi dư số cán bộ cần bố trí sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Mặt khác, Nghị định 33 không áp dụng đối với những phường đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên 249 phường thuộc 16 quận và TP Thủ Đức sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của quy định này.
Nếu TP vừa áp dụng Nghị quyết 98 vừa vận dụng Nghị định 33 để tăng số lượng công chức làm việc tại 249 phường nêu trên thì số cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn cũng được liên thông thành công chức cấp huyện. Theo đó, TP sẽ cần bổ sung số lượng rất lớn công chức vào tổng biên chế và cần báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị để bổ sung biên chế công chức cấp huyện cho TP.
Tôi cho rằng việc này sẽ không đúng với tinh thần, chủ trương của Nghị quyết 98 là quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, NHĐKCT tại xã, phường, thị trấn bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Đó là những lý do mà cơ quan soạn thảo rất cân nhắc khi xây dựng đề án đề xuất định mức để bố trí tăng thêm cán bộ theo dân số với ba định mức là 30.000, 50.000 và 100.000 dân.
Thực hiện trong quý IV-2023
. So với con số các địa phương đã đề xuất thì số cán bộ dự kiến tăng thêm theo nghị quyết của HĐND TP khá chênh lệch, tạo ra không ít hụt hẫng. Ông có chia sẻ gì với các địa phương?
+ Như tôi vừa chia sẻ, trên tinh thần và chủ trương Nghị quyết 98, TP xác định việc bố trí, cơ cấu số lượng cán bộ tăng thêm phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của địa phương nhưng phải đảm bảo tinh gọn bộ máy.
Yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng quy định chung về nguyên tắc, tiêu chí tăng số lượng cán bộ theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn theo hướng cụ thể hóa và cần tính tương thích, phù hợp với quy mô của từng địa phương.
Sở Nội vụ thực hiện xây dựng đề án trên cơ sở các quy định hiện hành và kết quả nghiên cứu dữ liệu do 312 phường, xã, thị trấn cung cấp; tiếp thu ý kiến đánh giá của các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc nội dung cần điều chỉnh, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan có liên quan tham mưu UBND TP báo cáo HĐND TP và Ban Thường vụ Thành ủy để kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi thực hiện đề án.
. Vậy sau khi được HĐND TP thông qua đề án, trình tự cụ thể hóa cơ chế này trong thời gian tới được thực hiện thế nào, thưa ông?
+ Trên cơ sở nghị quyết được HĐND TP thông qua tại kỳ họp, UBND TP sẽ ban hành đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, NHĐKCT tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn. Từ đó sẽ triển khai bố trí bổ sung ngay số lượng cần đáp ứng cho các phường, xã, thị trấn, đặc biệt là các phường, xã đông dân.
Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện đề án ngay trong quý IV-2023.
Giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất
. Số cán bộ được tăng thêm sẽ góp phần giải quyết các bài toán bức bách ở phường, xã đông dân ra sao, thưa ông?
+ Theo thống kê, bình quân một cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước đang phục vụ 485 người dân; còn ở TP.HCM, con số này là 1.554 người dân, tức gấp ba lần. Đây chính là áp lực tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Do đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là nhanh chóng xây dựng một đội ngũ cán bộ cấp xã đảm bảo về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác theo đặc điểm, tính phức tạp của từng địa phương.
Dự kiến với số lượng cán bộ được tăng thêm sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải quyết các yêu cầu của người dân. Đồng thời đảm bảo các công tác an sinh xã hội, quản lý trật tự xây dựng và an ninh trật tự, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
. Quan điểm của ông về việc tăng số lượng phải đi cùng với đảm bảo tăng chất lượng cán bộ, nâng chất đội ngũ cán bộ tăng thêm?
+ Hiện nay TP đang nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả gồm nhiều giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm đến các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích và giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ cao, phẩm chất tốt.
TP.HCM cũng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương nhằm rút ngắn quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng quyền hạn cho cán bộ cấp cơ sở để kịp thời giải quyết hồ sơ, xử lý các vụ việc phát sinh có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân tại các địa bàn trọng điểm, đông dân.
. Xin cảm ơn ông.
Xin trung ương tăng biên chế công chức
Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 98, số lượng cán bộ, công chức được bổ sung sẽ làm tăng số lượng và tăng biên chế công chức hành chính của TP. Do đó, tại nội dung dự thảo Nghị định quy định biện pháp thi hành Nghị quyết 98 của Chính phủ, TP đã kiến nghị Bộ Nội vụ thẩm định trình Thủ tướng để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc bổ sung biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên của TP.HCM giai đoạn 2022-2026.
Đồng thời, căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh tăng biên chế công chức TP.HCM năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, TP luôn xác định việc bố trí phải đảm bảo đúng, đủ số lượng, tránh bố trí cào bằng giữa các địa phương, không gây lãng phí ngân sách và nguồn lực, mang lại hiệu quả thiết thực trong triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM HUỲNH THANH NHÂN