TP.HCM tăng thêm gần 2.200 cán bộ: Giải tỏa áp lực cho các phường, xã đông dân

(PLO)- Với cơ chế tăng thêm cán bộ, lãnh đạo các phường, xã đông dân ở TP.HCM mong cán bộ mới sẽ xắn tay ngay vào công việc, giải tỏa áp lực bấy lâu nay cho địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP.HCM khóa X đã thống nhất thông qua đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (gọi chung là cán bộ) tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.

Với đề án này, dự kiến TP sẽ tăng thêm gần 2.200 cán bộ. Đây là cơ chế hiện thực hóa từ Nghị quyết 98/2023 và được chính quyền, người dân các phường, xã đông dân tại TP rất trông đợi.

Đáp ứng yêu cầu thực tế cấp bách

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết: Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, phường tiếp nhận hơn 32.000 hồ sơ. Khối lượng công việc lớn trong khi phường chỉ có 36 cán bộ, công chức, không đủ để đáp ứng công việc.

Ông Tuấn thông tin: Với đề án cơ cấu số lượng cán bộ theo quy mô dân số mà HĐND TP.HCM vừa thông qua, phường Hiệp Bình Chánh được tăng thêm 1 phó chủ tịch, 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách.

“Chúng tôi đã trông chờ điều này” - ông Tuấn bày tỏ và cho biết với số lượng cán bộ tăng thêm, phường dự kiến sắp xếp vào các vị trí còn trống như lĩnh vực địa chính, tư pháp...

“Chúng tôi sẽ chủ động tuyển dụng người hoạt động không chuyên trách; còn với công chức, tôi mong TP.HCM tổ chức thi sớm để có nguồn bổ sung cho phường” - ông Tuấn nêu ý kiến và khẳng định việc tăng thêm cán bộ lần này là rất hợp lý và cần thiết nhằm hóa giải bài toán đông dân, quá tải của chính quyền cơ sở tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, nhìn nhận việc thiếu cán bộ đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là những việc phát sinh thực tế liên quan đến đời sống của người dân trên địa bàn phường. Bởi vậy, việc HĐND TP thông qua đề án tăng thêm cán bộ cho phường, xã, thị trấn được ông Ngân đánh giá là hết sức cần thiết, cấp bách. “Được TP quan tâm tăng thêm biên chế cho phường, chúng tôi rất mừng” - ông Ngân phấn khởi.

Theo ông, với số cán bộ dự kiến tăng thêm bước đầu có thể giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai, thi hành nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đáng chú ý, với đặc thù dân số đông, điều này sẽ giúp việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của phường được nhanh hơn và tốt hơn.

Còn bà Trần Thị Thái Nguyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nhìn nhận chủ trương tăng thêm cán bộ, nhất là tăng một phó chủ tịch xã đã tạo điều kiện giúp địa phương giảm bớt khó khăn, chia sẻ một phần áp lực trong lãnh đạo, điều hành và tham mưu công việc. Để chuẩn bị cho công tác bổ sung cán bộ, trước mắt xã sẽ rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất nhằm giúp cán bộ thực hiện tốt các yêu cầu, công việc được phân công.

P2_chinh_ttam.jpg
Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục hành chính. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Để cán bộ khi về là xắn tay vào làm

Đặt nhiều kỳ vọng vào cơ chế mới, lãnh đạo các địa phương đều mong muốn các nội dung này sớm được triển khai trên thực tế, đáp ứng được những nhu cầu cấp bách mà địa phương đang cần. Từ đó, giúp đảm bảo chất lượng trong giải quyết công việc hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phùng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, mong rằng số cán bộ được tăng thêm sẽ là những người tâm huyết, không vì quá tải, áp lực, nguy cơ chịu trách nhiệm công vụ ở một địa phương đặc thù mà chùn bước. “Mong cán bộ từ áp lực công việc mà vươn lên, mạnh dạn đề xuất các giải pháp tốt, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm… để phục vụ tốt nhất cho người dân” - ông Việt chia sẻ.

Đáng chú ý, với địa bàn xã có nhiều tình huống phức tạp như Vĩnh Lộc A, ông Việt mong ngoài kiện toàn số lượng cán bộ thì cần chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, lựa chọn cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tế. Khi về địa phương, chỉ cần xắn tay vào làm, không phải mất nhiều thời gian tiếp cận làm giảm sức sáng tạo.

Với việc tăng thêm một phó chủ tịch, ông Việt nói dự kiến sẽ phân công phụ trách mảng kinh tế, doanh nghiệp; còn lại một phó chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và một người phụ trách đô thị, đất đai, xây dựng. “Mình không thể tập trung quá nhiều vào đất đai, xây dựng, vì nếu vậy người dân sẽ thấy sao xã cứ đi cưỡng chế hoài mà không thấy đầu tư. Do đó, việc phân công riêng một lãnh đạo phụ trách kinh tế, doanh nghiệp là với mong muốn giúp địa phương phát triển đi lên” - ông Việt chia sẻ.

Ông Phạm Hoàng Khanh, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cũng thở phào nhẹ nhõm khi HĐND TP thông qua đề án tăng thêm cán bộ. Theo ông Khanh, việc này rất phù hợp với tình hình thực tiễn tại phường, bởi muốn phục vụ người dân tốt hơn thì phải có số lượng cán bộ phù hợp. Điều này giúp địa phương vừa phục vụ người dân được tốt nhất vừa giúp giảm tải công việc cho cán bộ, công chức để họ an tâm công tác.

Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B mong mỏi cơ chế này sớm đi vào thực hiện trong thực tiễn. Đặc biệt, phường cũng mong TP.HCM sẽ tuyển chọn được đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng được yêu cầu của địa phương.

“Điều này sẽ giúp xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ đảm bảo về lượng mà còn về chất, giúp địa phương ngày càng phát triển” - ông Khanh nói.

Cán bộ xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực

Hiện xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có hơn 162.000 dân. Việc cán bộ, công chức, người lao động của xã phải làm việc 10-12 giờ/ngày, thậm chí mang cả hồ sơ về nhà làm là thường xuyên. Hằng ngày xã giải quyết cho người dân lên đến khoảng 600 hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ sao y, chứng thực. Tính ra mỗi ngày xã chỉ giải quyết được 65% công việc mới, 35% là việc tồn đọng.

Theo quy định, xã được giao 36 biên chế, gồm 11 cán bộ, 11 công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, hiện xã chỉ có 32 biên chế, vừa qua có 4 người xin nghỉ do không chịu nổi áp lực, chủ yếu ở các mảng “khó nhằn” như kế toán, địa chính, văn phòng thống kê, thậm chí khuyết 1 phó chủ tịch.

Ông PHÙNG QUỐC VIỆT, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh

Một cán bộ phụ trách 45 đầu việc

Phường Bình Hưng Hòa A có hơn 125.000 dân; cán bộ, công chức phường thường xuyên bị quá tải về giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Cán bộ phường cũng gặp rất nhiều áp lực trong giải quyết công việc, nhất là ở một số lĩnh vực nóng như đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường, văn hóa - xã hội...

Hiện mỗi cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của phường đảm nhận khoảng 30 đầu việc, đặc biệt có những chức danh phải làm rất nhiều đầu việc. Trong đó, một cán bộ phụ trách kinh tế có 45 đầu việc, một cán bộ thủ quỹ - văn thư - lưu trữ có 35 đầu việc, chưa kể các công việc đột xuất do lãnh đạo phường phân công.

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm