UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức (gọi tắt là Nghị quyết 1111).
Theo UBND TP.HCM, sau khi thực hiện Nghị quyết 1111, TP.HCM còn 22 ĐVHC cấp huyện gồm một TP trực thuộc là TP Thủ Đức, 16 quận và năm huyện với 312 ĐVHC cấp xã (249 phường, 58 xã và năm thị trấn).
Trong đó, TP Thủ Đức được thành lập từ ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. TP.HCM cũng sáp nhập một số phường ở các quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.
TP.HCM kiến nghị tách phường/xã đông dân, có nhiều dự án trọng điểm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Thủ Đức cần có cơ chế ưu việt từ Trung ương
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 1111, UBND TP.HCM nhìn nhận việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp huyện, xã là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC phù hợp thực tiễn, gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương…
Đến nay, TP Thủ Đức đã ổn định bộ máy, thực hiện tốt các nhiệm vụ địa phương, từng bước ổn định tình hình với mục tiêu xây dựng TP thành trung tâm động lực phát triển đột phá của TP.HCM và khu vực. Còn việc sắp xếp, thành lập ĐVHC của chín phường đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền cấp cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho rằng chủ trương sắp xếp thu gọn các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo dân số, diện tích đã được thông qua trong Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.
TP.HCM nhìn nhận việc sắp xếp ĐVHC là chủ trương lớn, ảnh hưởng đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) và đời sống người dân. Tuy nhiên, một số bộ, ngành chậm hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là trong sắp xếp cán bộ, kinh phí thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại ĐVHC mới thành lập gặp khó khăn, do số lượng cán bộ tăng cơ học khi sáp nhập nhưng lại còn phải giảm theo Nghị định 34/2019.
Đối với TP Thủ Đức, qua vận hành đã đặt ra những thách thức về quy hoạch, đất đai, môi trường, đặc biệt là tối ưu hoá nguồn lực, tiềm năng để phát triển. Do đó, đòi hỏi TP Thủ Đức cần sớm được tạo điều kiện về cơ chế hoạt động có tính chất ưu việt hơn từ Trung ương và TP.HCM. Chưa kể, việc phân cấp, uỷ quyền cho TP Thủ Đức mặc dù được lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm nhưng vẫn còn chậm.
Đề xuất tách phường đông dân
Trước những yêu cầu đặt ra, UBND TP.HCM kiến nghị QH ban hành Nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp ĐVHC một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của QH.
Gồm quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các ĐVHC thực hiện sắp xếp; trình tự, thủ tục đơn giản hơn trong việc đấu giá, xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư; việc giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan khi thực hiện sắp xếp ĐVHC và thời hạn sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị QH ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở TP thuộc TP trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa mô hình TP thuộc TP, áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức. Từ đó, làm cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình này.
Đáng chú ý, chính quyền TP.HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH cho phép điều chỉnh, thành lập mới đối với các ĐVHC cấp xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số rất đông khi thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.
TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp ĐVHC để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay; việc áp chính sách đặc thù tại ĐVHC mới nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trên địa bàn.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP Thủ Đức để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
TP.HCM còn kiến nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công không sử dụng thuộc các ĐVHC các cấp do sắp xếp…