Cử tri quận 3: 'Cán bộ nào không dám làm thì đề nghị đứng sang một bên'

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến khẳng định nếu cán bộ e ngại, né tránh thì nhường lại vị trí cho cán bộ khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-6, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 và tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 5 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 3 sau kỳ họp thứ 5, QH khoá XV và trước kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khoá X.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quan tâm đến Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được QH thông qua.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu trao đổi với ĐBQH Trần Kim Yến bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: T.THẢO

Cử tri Nguyễn Hữu Châu trao đổi với ĐBQH Trần Kim Yến bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: T.THẢO

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu), cho rằng nghị quyết mới đã tạo điều kiện mới toàn diện, rất thuận lợi cho TP.HCM phát triển xứng tầm với nhiều chính sách về tài chính - ngân sách, đầu tư, TP Thủ Đức...

Ông đề nghị TP.HCM cần thực hiện nghị quyết theo trình tự hợp lý, đúng luật; gồm có ban chỉ đạo thí điểm, phát huy cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua việc phát huy vai trò vận động, giám sát của Mặt trận”. Đồng thời, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cán bộ quản lý điều hành có đức, có tài, đủ năng lực chuyên môn thực hiện và giám sát kỹ càng để tránh sai phạm, thất thoát.

Còn Cử tri Lâm Ngọc Mạnh, phường 12, băn khoăn không biết TP.HCM sẽ làm gì để thực hiện tốt nghị quyết mới ngoài việc sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện, đề ra kế hoạch cụ thể, nhất là đối với công tác cán bộ.

“Trước khi thực hiện Nghị quyết 54/2017, lương của cán bộ vẫn như thế; đến khi thực hiện Nghị quyết 54, có thu nhập tăng thêm nhưng sao cán bộ lại né tránh, đùn đẩy, không dám làm?” - cử tri Mạnh đặt vấn đề và đề nghị cán bộ nào không dám làm thì đề nghị đứng qua một bên. Cử tri Mạnh cũng mong lãnh đạo TP có giải pháp trước tình trạng này.

Trao đổi với cử tri, ĐBQH Trần Kim Yến đã báo cáo một số kết quả làm được và chưa làm được của Nghị quyết 54/2017, thông tin những nội dung đột phá của nghị quyết mới.

ĐB Yến cho biết hiện Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ TP chỉ thị về triển khai nghị quyết mới. Chỉ thị này sẽ được công bố trong hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2023 của Thành uỷ TP.

UBND TP cũng đã soạn xong kế hoạch phân công sở, ngành, đơn vị liên quan và phân công trách nhiệm cho thường trực, uỷ viên UBND TP phụ trách từng lĩnh vực, đồng thời giao tiến độ cụ thể để thực hiện.

Về trách nhiệm của cán bộ công chức, ĐB Trần Kim Yến cho biết thời gian gần đây có nhiều phản ánh rằng cán bộ có phần rụt rè, e ngại, né tránh, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. “Thực ra là có tình trạng này” – ĐB Yến khẳng định.

Theo bà, thời gian qua nhiều vụ tham nhũng được đưa ra xét xử và một số cán bộ có tâm lý sợ sai. Bà nhìn nhận khi luật đã quy định rõ ràng, cán bộ thực hiện sai luật thì phải bị xử lý.

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong quá trình làm việc nếu cán bộ phát hiện có những việc chưa đúng quy định pháp luật nhưng để đảm bảo yêu cầu phát triển thì phải báo cáo tổ chức Đảng, chính quyền xin phép sử dụng thí điểm.

“Làm sao phát huy tinh thần trách nhiệm, không né tránh của cán bộ, còn nếu cán bộ e ngại, né tránh thì nhường lại cho cán bộ khác thực hiện chức trách của cán bộ, công chức theo phân công” - ĐB Yến nhấn mạnh.

Trao đổi về việc quy định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết QH xác định đây là công tác trọng tâm trong thời gian tới.

Theo ĐB Hiển, việc xây dựng các quy định pháp luật do nhiều chủ thể thực hiện nên còn cồng kềnh, chồng chéo, chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến động.

Vừa qua QH đã giao Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương rà soát hệ thống văn bản pháp luật mà trọng tâm là các vấn đề “nóng” như đấu thầu, giá quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, hợp tác công tư, đầu tư môi trường, kinh doanh bất động sản, tài chính - ngân hàng, giám định - định giá….

Trên cơ sở đó xác định nội dung quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn chồng chéo, vướng mắc, đặc biệt là thông tư của các bộ để có cách khắc phục.

Mong có biện pháp khẩn cấp để dân bớt lo, vất vả vì ngập nước

Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri nêu ý kiến về các vấn đề dân sinh như ngập nước, vật giá leo thang cũng được các đại biểu rất lưu tâm.

Cử tri Trương Thị Nghĩa, phường 9, lo lắng khi vật giá ngày càng leo thang, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, khiến đời sống người dân chưa ổn định.

Bà kiến nghị ĐBQH và ĐB HĐND hiến kế để bình ổn giá thị trường, nhất là đối với các mặt hàng trên, tránh các mặt hàng khác cũng leo thang theo.

Cử tri Bùi Thị Quý, phường 13, cho biết tình trạng ngập nước ở TP.HCM chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là khi TP.HCM đang vào mùa mưa. “Mỗi lần TP có mưa to, triều cường thì nơi này, nơi kia đều ngập nước, xe cộ chết máy, người dân bì bõm hoặc thức cả đêm để tát nước ra khỏi nhà. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân” – cử tri Quý bức xúc.

Bà cho rằng nhiều năm qua TP đã đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng nhiều dự án công trình để giải quyết ngập nước và ngân sách nhà nước tiêu tốn cho việc này không hề nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều công trình chưa hoàn thành khiến ngập nước vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Cử tri Quý nhìn nhận muốn đạt mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt thì một trong những công việc cần làm là giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước. Bà mong chính quyền TP có biện pháp khẩn cấp, hoàn thiện các công trình chống ngập để người dân bớt lo lắng, vất vả vì ngập nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm