Hôm nay (18-8), HĐND TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM và Sở TT&TT TP.HCM phối hợp thực hiện chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 8-2024 với chủ đề: “Luật Đất đai năm 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân - trách nhiệm của chính quyền”.
Quy định về tách thửa, hợp thửa
Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt câu hỏi về việc ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của TP.
Cụ thể, thực hiện trách nhiệm của chính quyền nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND TP đã chuẩn bị ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc tách thửa đất, hợp thửa đất; các loại giấy tờ cần thiết để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trước ngày 15-10-1993 và hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 như thế nào?
Ông Nguyễn Toàn Thắng (Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cho rằng, về tách thửa, hợp thửa thì trước đây được quy định tại nghị định nhưng lần này Luật Đất đai đã quy định tại Điều 220, đây là điểm rất mới. Ông Thắng cũng cho biết hiện nay TP đang lấy kiến, sau đó sẽ tổng hợp để trình UBND TP ban hành, dự kiến trong tháng 8 sẽ ban hành nội dung về tách thửa, hợp thửa để đảm bảo thực hiện đồng bộ với Luật.
Về các loại giấy tờ cần thiết để cấp giấy chứng nhận, theo ông Thắng, lần đầu tiên trong Luật có quy định (tại Điều 137) xem xét cấp sổ đối với người sử dụng đất có giấy tờ về đất được lập trước 15-10-1993. Tuy nhiên, có quy trình bổ sung là UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét thêm các loại giấy tờ chưa liệt kê trong Luật. Vì vậy, hiện nay TP cũng đang là lấy ý kiến để bổ sung thêm một số loại giấy tờ...
Luật Đất đai 2024 có làm giảm các hành vi vi phạm?
Ông Đỗ Văn Bạn (Bí thư chi bộ khu phố 11, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) đặt câu hỏi: Luật Đất đai năm 2024 có làm giảm các hành vi vi phạm hành chính về đất đai hay không?
Cạnh đó, theo ông Bạn, TP đang dự thảo bảng giá đất, vậy TP đã nghiên cứu thực hiện những gì để xây dựng bảng giá đất mới sát với giá thị trường và bảng giá đất mới được sử dụng cho mục đích gì và tác động như thế nào đến người dân?
Trả lời, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, so với trước đây thì số lượng hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 tăng lên (từ 10 hành vi lên 11 hành vi) để bao phủ đầy đủ các hành vi xử phạt khi có vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Cạnh đó, một nội dung rất quan trọng là số lợi thu được từ hành vi vi phạm sẽ thu với mức độ tăng rất cao để mang tính chất răn đe, đảm bảo cho việc thực thi pháp luật.
Với hai nội dung mới trên, ông Thắng cho rằng thực hiện Luật Đất đai 2024 sẽ giảm các hành vi vi phạm hành chính về đất đai.
Về xây dựng bảng giá đất, theo ông Thắng, đây là nội dung rất phức tạp, tác động rất nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP. TP cũng làm rất là thận trọng. Hiện nay đã hết thời gian lấy ý kiến của công dân nhưng TP đang tổ chức các hội nghị để lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến. Sau đó, Hội đồng thẩm định bảng giá đất sẽ độc lập thẩm định, thẩm định xong sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Về đối tượng tác động, theo ông Thắng, theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ có 12 đối tượng chịu tác động của bảng giá đất. Chủ yếu bảng giá đất sẽ tác động đến việc nộp thuế, nộp nghĩa vụ tài chính, nộp phí lệ phí và nộp phạt do vi phạm hành chính.
Tại buổi này, ông Bùi Xuân Cường (Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cho rằng cùng với Luật đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực sớm từ ngày 1-8-2024.
UBND TP cũng hết sức chủ động trong quá trình triển khai bằng việc ban hành kế hoạch thi hành Luật. TP cũng chuẩn bị ban hành 14 văn bản dưới luật. Trong đó, có 1 văn bản thuộc thẩm quyền của TP và 13 văn bản thuộc thẩm quyền của UBND.
Người dân tiếp cận thông tin quy hoạch qua đâu?
Tại chương trình, ông Trần Bảo Sơn (Chủ tịch HĐQT Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Bình Mỹ) nêu nhu cầu tiếp cận các thông tin về quy hoạch xây dựng của người dân. Ông Sơn cho rằng điều này là rất cần thiết và đặt câu hỏi: TP đã triển khai như thế nào?
Trả lời, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng theo Luật Quy hoạch đô thị thì trong vòng 15 ngày sau khi được phê duyệt quy hoạch thì các đồ án quy hoạch phân khu phải được công bố công khai rộng rãi.
Việc công bố công khai rộng rãi với 3 hình thức. Hình thức thứ nhất là trưng bày liên tục bản vẽ quy hoạch tại trụ sở UBND, các cơ quan nhà nước có liên quan đến quy hoạch cũng như là Trung tâm thông tin quy hoạch... Hình thức thứ hai là thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức thứ ba là in thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho biết hiện nay phần lớn các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP đã được công khai trên Website của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường, xã, quận, huyện và TP Thủ Đức để bà con được tham khảo.
Mặt khác, hiện nay, Sở Quy hoạch- Kiến trúc cũng đã cập nhật 600 đồ án quy hoạch phân khu và 450 đồ án điều chỉnh cục bộ trên ứng dụng App thông tin quy hoạch của sở. Cử tri có thể tải app này về điện thoại di động để có thể tra cứu thông tin quy hoạch. Ngoài ra, cử tri có thể liên hệ trực tiếp tại UBND các quận, huyện và Sở Quy hoạch - Kiến trúc để được cung cấp thông tin bằng giấy.