Giám đốc Sở TN&MT: Ủy quyền để chấm dứt hồ sơ trễ hạn
Nhiều năm nay tại TP.HCM, câu chuyện trễ hạn hồ sơ nhà, đất đã không còn mới mẻ, dù ngành TN&MT cũng đã có những nỗ lực để khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là hồ sơ tập trung về một đầu mối dẫn đến tình trạng quá tải và ách tắc hồ sơ dẫn đến trễ hạn. Để gỡ nút thắt này, mới đây Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký Quyết định 08/2021 về việc phối hợp giải quyết một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sửa đổi Quyết định 36/2017.
Theo đó, TP đồng ý cho Sở TN&MT được ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ký cấp sổ hồng cho người dân thay vì phải chuyển hồ sơ lên TP như lâu nay.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, về vấn đề này. Theo ông Thắng, việc cho phép các chi nhánh ký cấp giấy sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng trễ hạn hồ sơ.
100% hồ sơ luân chuyển đều trễ hạn
. Phóng viên: Trao đổi với chúng tôi, các chi nhánh VPĐKĐĐ đều cho biết lâu nay hồ sơ thuộc thẩm quyền của VPĐKĐĐ TP ký luôn luôn trễ hạn. Ít nhất cũng từ một tháng, thậm chí 2-3 tháng đã gây bức xúc rất lớn cho người dân. Vì sao tình trạng này kéo dài như vậy mà chưa giải quyết được, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Năm 2015, khi VPĐKĐĐ TP dồn về một cấp thì toàn bộ hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (GCN) chuyển về Sở TN&MT ký. Thay vì lãnh đạo 24 quận/huyện ký thì dồn về cho bốn người là giám đốc và ba phó giám đốc sở ký. Điều này đã dẫn tới tình trạng quá tải hồ sơ và trễ hạn tới 10% đối với hồ sơ loại này.
Năm 2017, để giải quyết tình trạng ách tắc hồ sơ, UBND TP đã ban hành Quyết định 36, trong đó cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho VPĐKĐĐ TP ký cấp GCN thay vì quy trình trước đây là các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, thụ lý rồi chuyển lên VPĐKĐĐ TP thẩm tra. Sau đó, chuyển hồ sơ về cho sở ký xong, chuyển ngược hồ sơ về cho các chi nhánh để ra giấy cho dân. Tuy nhiên, với một TP hơn 10 triệu dân như TP.HCM thì lượng hồ sơ giao dịch nhà, đất là rất lớn.
Trong khi đó, lãnh đạo VPĐKĐĐ TP cũng chỉ có bốn người nhưng mỗi ngày phải ký 8.000-9.000 hồ sơ, đó là chưa kể phải thẩm tra các hồ sơ khác để trình Ban giám đốc sở ký. Cũng xin nói thêm, mỗi tháng bản thân tôi là giám đốc sở ký khoảng 2.000 hồ sơ cấp GCN cho các hộ dân thuộc các dự án nhà ở. Loại hồ sơ này VPĐKĐĐ cũng phải thẩm định để trình Ban giám đốc sở ký. Nói như vậy để thấy là khối lượng hồ sơ mà VPĐKĐĐ phải xử lý là rất lớn. Vì vậy, dù tình trạng trễ hạn hồ sơ có kéo giảm xuống còn khoảng 5% nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề hồ sơ trễ hạn.
Người dân làm thủ tục cấp sổ hồng tại quận 12 (TP.HCM). Ảnh: VIỆT HOA
Năm 2018, Sở TN&MT đã kiến nghị TP cho phép sở được ủy quyền cho các chi nhánh VPĐKĐĐ được ký cấp GCN thay vì phải chuyển về VPĐKĐĐ TP. UBND TP chấp thuận đề xuất của sở về mặt chủ trương. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải qua nhiều bước chặt chẽ nên đến thời điểm này, TP mới ban hành Quyết định 08 để chính thức cho phép Sở TN&MT ủy quyền về cho các chi nhánh VPĐKĐĐ như đề xuất của sở.
. Thưa ông, việc ủy quyền lần đầu, hồ sơ không phải chuyển về sở ký nữa nhưng 100% hồ sơ cứ luân chuyển về VPĐKĐĐ là trễ hạn. Tại sao?
+ Dù đã được ủy quyền nhưng khi các chi nhánh VPĐKĐĐ tiếp nhận hồ sơ thụ lý xong, chuyển về VPĐKĐĐTP. Cơ quan này không phải ký liền mà vẫn tiếp tục thẩm tra lại hồ sơ rồi mới ký. Mà việc thẩm định hồ sơ nhiều khi cũng có sự khác nhau về mặt quan điểm giữa các chi nhánh và VPĐKĐĐTP. Điều này khiến việc thụ lý hồ sơ kéo dài.
Thêm vào đó, như tôi đã trình bày trên đây, hồ sơ quá nhiều và chỉ tập trung cho một giám đốc và hai phó giám đốc VPĐKĐĐtp thì cũng không thể kịp được. Đó là chưa kể việc luân chuyển từ các chi nhánh lên VPĐKĐĐ TP rồi trả ngược hồ sơ về qua đường bưu điện cũng rất mất thời gian.
22 chi nhánh sẽ ký hồ sơ thay vì bốn người ký
. Thưa ông, với việc ủy quyền về cho chi nhánh VPĐKĐĐ ký thì quy trình mới sẽ như thế nào?
+ Theo Quyết định 08 thì các chi nhánh sẽ tiếp nhận hồ sơ, thụ lý, nếu đủ điều kiện thì ký GCN. Sau đó, chuyển hồ sơ về VPĐKĐĐtp để đóng dấu và chuyển lại hồ sơ về để trả ra cho dân.
Trong khi quy trình lâu nay là các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ, thụ lý xong, chuyển lên VPĐKĐĐ TP. Cơ quan này sẽ tiếp tục thẩm tra hồ sơ, trình Ban giám đốc VPĐKĐĐ ký, đóng dấu và chuyển hồ sơ về các chi nhánh trả ra cho dân.
. Như vậy, theo quy trình mới, liệu hồ sơ có bị ách tắc tại bộ phận đóng dấu khi cùng một lúc hồ sơ của 22 chi nhánh dồn về?
+ Chắc chắn là không ách tắc. Bởi vì hồ sơ đã hoàn thiện hết, chỉ có việc đóng dấu. Hơn nữa, việc đóng dấu sẽ được thực hiện xong ngay trong ngày, cứ hồ sơ đưa lên là đóng dấu và cho chuyển đi ngay.
. Ông có tin rằng khi ủy quyền về cho các chi nhánh thì sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng trễ hạn hồ sơ không?
+ Đó là điều có thể khẳng định. Hiện nay trung bình mỗi năm, ngành đăng ký đất đai phải ký 700.000-800.000 hồ sơ các loại. Chia bình quân thì mỗi tháng cơ quan đăng ký đất đai phải ký khoảng 40.000-50.000 hồ sơ. Trong đó, riêng loại hồ sơ cấp đổi, cấp lại, cập nhật công trình của hộ gia đình, cá nhân chiếm khoảng 9.000 hồ sơ. Khi được ủy quyền rồi thì 9.000 hồ sơ này sẽ do 22 giám đốc chi nhánh ký thay vì bốn người ký như hiện nay. Cộng thêm việc không phải luân chuyển hồ sơ qua lại nữa thì hồ sơ sẽ được giải quyết đúng hạn.
Trước mắt, chúng tôi đang phấn đấu sẽ thực hiện việc cấp GCN đúng theo thời gian quy định tại Quyết định 08. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định, chúng tôi sẽ xem xét những trường hợp có thể rút ngắn được thời gian thì có thể rút ngắn so với quy định để phục vụ người dân tốt hơn.
. Xin cám ơn ông.•
Thời gian giải quyết 11 thủ tục cấp sổ hồng theo Quyết định 08
7 ngày
- Cấp đổi GCN, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng.
10 ngày
- Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (cấp mới GCN).
- Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức (trừ doanh nghiệp); thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất (cấp mới GCN).
- Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp GCN (đổi tên hoặc giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp GCN; đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp (cấp mới GCN).
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”.
- Cấp lại GCN, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc trang bổ sung của GCN do bị mất.
- Đính chính GCN đã cấp.
15 ngày
- Tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (cấp mới GCN).
- Thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp mới GCN).
30 ngày
- Đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp GCN nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định (trường hợp không nộp GCN).
- Đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp GCN nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định (trường hợp có nộp GCN).