Ngày 8-12, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh một số rắc rối về phí bảo trì chung cư, như ai phải đóng, đóng như thế nào, giải quyết tranh chấp ra sao… (xem bài “Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?̀”). Nhiều bạn đọc góp ý thêm hiện còn rất nhiều những vướng mắc khác xung quanh vấn đề này khiến cho những người dân sống ở chung cư lo lắng…
Cần có chế tài chậm giao phí bảo trì
Theo quy định, phí bảo trì chung cư là 2% trên giá trị hợp đồng (chưa VAT), do bên mua đóng trước khi nhận bàn giao căn hộ. Dù Luật Nhà ở quy định rõ là sau khi chung cư bầu ban quản trị (BQT) thì chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí này cho BQT nhưng thời gian qua, không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện đúng dẫn đến tranh chấp.
Bà Hồ Thị Lệ, trưởng BQT cao ốc A- chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM), cho biết trước đó BQT đã phải đấu tranh khiếu nại một thời gian dài mới nhận được khoản phí này từ phía chủ đầu tư.
Theo bà Lệ, phí bảo trì là tiền của người dân. Sau khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư, BQT sẽ gửi ngân hàng và sau đó được dùng để bảo trì những hạng mục đòi hỏi chi phí cao. Ngoài ra, nếu có phí thì sẽ hạ thấp giá thu phí sinh hoạt hằng tháng của người dân xuống.
Riêng ông Đỗ Quốc Thắng, trưởng BQT chung cư 4S (quận Thủ Đức, TP.HCM) thì vẫn còn tâm tư. Ông cho biết từ khi có BQT đến nay đã bốn năm, phía chủ đầu tư vẫn hẹn lần hẹn lữa không chịu bàn giao phí bảo trì. Hiện nay một số bộ phận của chung cư như nhà xe nhếch nhác rác thải, bụi bặm, thang máy thường xuyên xảy ra sự cố... nhưng cũng không thể làm tốt hơn vì BQT không có khoản phí này.
Ông Thắng nhìn nhận hiện chưa có chế tài đối với chủ đầu tư khi chậm hoặc không bàn giao phí bảo trì. Do vậy, cần phải có thêm những quy định liên quan về trách nhiệm của chủ đầu tư.
Phí bảo trì thang máy ở chung cư ai phải đóng, đóng như thế nào. Ảnh minh họa: PV
Giảm tiền phí, chung cư vẫn hoạt động tốt
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, phân tích: Luật quy định đóng phí bảo trì 2% như hiện nay là quá lớn so với người dân. Bởi với số phí này, giá thành căn hộ sẽ bị đội lên cao, gây khó khăn cho việc tiếp cận mua nhà của những người có thu nhập thấp. Ngoài ra, trường hợp chủ đầu tư sau khi thu của người dân chiếm giữ không trả thì người dân là bên chịu thiệt. Luật định ra phí bảo trì nhằm đảm bảo vấn đề vận hành, bảo dưỡng chung cư nhưng cái này vô tình làm lợi cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đực đề xuất: Cần sớm sửa đổi phần phí này, thay vì thu 2% thì hạ xuống còn 0,3%-0,5%. Những chung cư có BQT quản lý tốt thì số tiền này đã đủ để bảo trì các hạng mục của chung cư. Ông Đực lấy ví dụ: Hai chung cư Thái An 1, 2 của công ty ông không thu 2% phí bảo trì nhưng vẫn được vận hành tốt. Hiện nay trong quỹ chung cư số tiền đã dư đến 600-700 triệu đồng.
Trao đổi với một số lãnh đạo công ty bất động sản khác chúng tôi ghi nhận nhiều người đồng tình theo hướng giảm tỉ lệ thu phí bảo trì. Có người đề xuất thu khoảng 1% là phù hợp.
Khởi kiện để yêu cầu giao phí bảo trì Trước đây khi chưa có Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư được phép thu và đứng ra bảo trì chung cư. Tuy nhiên, sau Thông tư 16 thì chủ đầu tư phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán là phí bảo trì 2% và sau đó chuyển giao lại cho BQT chung cư quản lý. Nếu như BQT chưa được thành lập thì chủ đầu tư tạm giữ nhưng sau đó phải bàn giao lại cho BQT. Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao thì BQT có thể gửi đơn ra tòa để yêu cầu phía này bàn giao. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, |