Tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, chiều 17-10, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án.
VKSND tỉnh Hà Giang cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử, làm mất đi sự công bằng trong xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng của ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong dư luận xã hội.
Sau khi hành vi của các bị cáo bị phát hiện, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh trước khi xét tuyển nên không có thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Các bị cáo đang nghe VKS luận tội. Ảnh: ĐỨC MINH
Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đều là người có chức vụ, quyền hạn, có thời gian công tác nhiều năm, am hiểu rất rõ các quy định, quy chế của ngành đã đề ra. Lẽ ra, các bị cáo phải là những người gương mẫu, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng vì nể nang bạn bè, người thân, anh em trong cơ quan, đơn vị, trong nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mình đã nâng điểm cho các thí sinh.
Hành vi của các bị cáo khiến kỳ thi THPT quốc gia không còn nghiêm túc, công bằng.
“Trong bốn ngày, TAND tỉnh Hà Giang mở phiên tòa công khai, phù hợp với mong muốn của nhân dân, được dư luận cả nước quan tâm, tội phạm phải bị xử lý nghiêm minh. Đồng thời, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định thực hiện hành vi tiêu cực trong thi cử, làm mất đi sự công bằng trong xã hội phải bị trừng trị nghiêm khắc nhất”.
VKS luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Ảnh: ĐỨC MINH
Quá trình điều tra đã xác minh được một số cá nhân đã vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT.
Về hành vi của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (trưởng và phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Hà Giang), Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh ở môn trắc nghiệm. Dù bị cáo Hoài không trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương. Ngoài nhận danh sách này, ông Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Một mình ông Lương thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh.
Bị cáo Lương đã sửa kết quả của 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho những thí sinh này. Quá trình điều tra và tại tòa, hai bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo VKS, quá trình điều tra không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Bị cáo Hoài, Lương cho rằng chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân. Cạnh đó, không có gia đình thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Vì vậy, hai bị cáo Hoài, Lương bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Phạm Văn Khuông không có mặt trong hội đồng thi nhưng đã nhờ bị cáo Hoài can thiệp, nâng điểm thi cho con trai mình để thí sinh được vào học ở ĐH Y Thái Bình. Con bị cáo Khuông được nâng 13,3 điểm.
Theo VKS, việc truy tố cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi là có căn cứ, đúng pháp luật.
VKS cũng cho rằng do mối quan hệ quen biết, bị cáo Lê Thị Dung đã nhờ và được ông Hoài giúp nâng điểm cho 20 thí sinh. VKS cho rằng có đủ căn cứ truy tố bà Dung phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi.
Đối với bị cáo Triệu Thị Chính, VKS cho rằng bà Chính đã không thực hiện đúng chức trách của trưởng ban chấm thi. Bà Chính đã đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh, xem điểm cho một em. Tuy nhiên, ông Hoài chưa giúp được bà Chính.
Tại phiên tòa, bị cáo Chính không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời khai của các bị cáo Hoài và Lương, VKS khẳng định việc truy tố bị cáo Chính phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo cơ quan công tố, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Hoài có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
Bị cáo Lương, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, có nhiều thành tích trong công tác.
Bị cáo Chính có nhiều thành tích trong công tác, gia đình bị cáo là người có công với cách mạng. Bị cáo còn được áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt.
Bị cáo Dung đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình có công với cách mạng, bị cáo sức khỏe yếu, phải đi điều trị tại bệnh viện…
Bị cáo Khuông thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong công tác.
Trong vụ án này, bị cáo Hoài là người chủ mưu, khởi xướng, có sự câu kết chặt chẽ, phạm tội có tổ chức do đó phải chịu mức án cao nhất, kế đó là bị cáo Lương.
Ba bị cáo còn lại phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi mà VKS đã truy tố.
VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị đề nghị 8-9 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1-2 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Bị cáo Vũ Trọng Lương 7-8 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1-2 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Phạm Văn Khuông bị đề nghị từ một năm đến một năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2-3 năm. Bị cáo Lê Thị Dung bị đề nghị từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù cùng về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi. Bị cáo Triệu Thị Chính bị đề nghị mức án hai năm đến hai năm sáu tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. |