Như PLO đã đưa tin, trong mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018, chỉ riêng ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã có 222 thí sinh điểm cao bất thường và sau khi chấm lại thì bị hạ điểm. Qua rà soát, phần lớn các trường hợp này là con, cháu cán bộ, đảng viên, người có chức vụ ở các cơ quan của ba tỉnh.
Mặc dù Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an và công an các địa phương chưa kết luận trường hợp cụ thể thí sinh nào có gian lận điểm thi, nhưng qua ba vụ án đã được khởi tố và đang điều tra thì hoàn toàn có thể khẳng định, đã hình thành các đường dây gian lận điểm thi ở các tỉnh này.
Cho đến nay, các bị can bị khởi tố mới chỉ là cán bộ giáo dục, công an tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ hội đồng thi. Chưa có trường hợp nào bên ngoài, là bố mẹ, họ hàng thí sinh hoặc người môi giới gian lận bị khởi tố. Nhưng dư luận hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ rằng, những bậc cha mẹ là cán bộ, công chức, đảng viên, quan chức kia đã tác động để con mình được điểm cao.
Điều này càng có cơ sở khi kết luận của Cơ quan Điều tra Bộ Công an về vụ việc xảy ra ở Hòa Bình đã chứng minh được bị can Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc can thiệp, sửa điểm cho các thí sinh.
Cha mẹ các thí sinh ấy không thể vô can, nhưng việc chứng minh hành vi vi phạm, thậm chí là phạm tội của họ cần thời gian. Vấn đề là, những cha mẹ là cán bộ, đảng viên, quan chức ấy, ngoài việc xem xét, làm rõ trách nhiệm theo pháp luật, thì có thể bị Đảng xử lý thế nào?
Trao đổi với PLO, một cán bộ nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá, nếu sau này chứng minh được những đảng viên ấy vi phạm pháp luật, hoặc phạm tội để gian lận điểm thi cho con mình, thì rất dễ xử lý kỷ luật về mặt đảng. “Anh bỏ tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để chạy điểm cho con mình thì là hối lộ rồi. Mà phạm tội hối lộ thì khai trừ ngay. Nhưng nếu không chứng minh được họ chạy điểm cho con, thì sẽ khó kỷ luật đấy”, chuyên gia này cho biết.
Lý do, trong các quy định hiện hành của Đảng, như Quy định 47 năm 2012 của Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định 102 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định 08 của Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 102 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm… đều không cho phép kỷ luật đảng viên chỉ vì con họ có điểm thi cao bất thường, sau đó chấm lại, phải hạ điểm.
Chỉ có thể kỷ luật đảng viên nếu họ trực tiếp hoặc “để” vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột can thiệp, chạy điểm cho con, cháu. “Để” ở đây được hiểu biết việc làm sai mà không ngăn cản, hoặc bỏ mặc.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bó tay với những trường hợp “bất thường”. Chuyên gia từ Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết, nếu thấy việc xảy ra ở gia đình đảng viên ấy gây ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, gây dư luận xấu, thì dù không chứng minh được đảng viên đó sai phạm, vẫn có thể dùng biện pháp tổ chức để điều chuyển.
“Anh là lãnh đạo ngành giáo dục, là hiệu trưởng, hiệu phó mà con anh điểm thi cao bất thường, chấm lại phải hạ 6-7 điểm, thì rõ ràng việc đó ảnh hưởng đến tổ chức rồi. Anh là giám đốc sở giáo dục, là lãnh đạo tỉnh, làm chủ tịch hội đồng thi mà để xảy ra sai phạm nghiêm trọng thì dù không vi phạm trực tiếp, anh cũng phải chịu trách nhiệm chính trị, phải bị xem xét kỷ luật. Vấn đề là cấp ủy ở đó có nghiêm túc, nghiêm khắc hay không mà thôi”, vị chuyên gia đánh giá.