Trong căn nhà vách tôn lụp xụp ở khu vực Thới An 1 (phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), bé Phạm Gia Hân (ba tuổi) đang hồn nhiên nô đùa cùng bà ngoại liền quay lại cất giọng chào khi thấy chúng tôi bước vào. Thấy anh cán bộ tư pháp - hộ tịch thân quen, cô bé liền chạy vào trong mang ra tờ giấy ra khoe: “Con có giấy khai sinh rồi nè, con hết dốt rồi, con được đi học rồi đó, chú ơi!”.
“Con có khai sinh, con hết dốt rồi!”
thấy ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, bà ngoại bé liền hớn hở nói: “Giấy khai sinh mới có hôm qua đó, cô ơi! Làm được giấy tôi và mẹ nó mừng khôn xiết, không cần ăn cơm luôn. Chúng tôi cứ nghĩ không bao giờ con bé được đi học, giờ có khai sinh rồi cả nhà mừng lắm. Nó cứ ôm giấy khai sinh hoài luôn đó. Mới bây lớn chứ nói là muốn đi học, thích đi học lắm. Tôi cũng đã đăng ký cho con bé học mẫu giáo rồi…”.
Lần giở lại ký ức, bà kể về “hành trình” lấy chồng ngoại của con gái mình với giọng đượm buồn. Gia đình quá nghèo nên năm 2014 bà bấm bụng để con gái là Phạm Kim Chi mới 24 tuổi lấy chồng người Trung Quốc. Sang bên quê chồng không được bao lâu, do bất đồng ngôn ngữ và đặc biệt khi biết được cái thai mà Chi mang trong bụng là con gái thì gia đình chồng bắt đầu hắt hủi. Chịu tủi nhục không đành, Chi quyết định về Việt Nam khi đang mang thai bé Hân được năm tháng tuổi.
Những tưởng có con gái lấy chồng nước ngoài giúp ích được về kinh tế nhưng kết quả còn khó khăn hơn khi Chi phải vác bụng bầu về nương tựa nhà ngoại. Gia đình bà vẫn sống trong căn nhà lụp xụp và còn phải chịu đựng biết bao lời gièm pha của thiên hạ. Thương con gái và đứa cháu ngoại, bà không nói lời nào mà vẫn một lòng cưu mang con cháu đến ngày khai hoa nở nhụy.
Mặc dù được sinh ra ở Việt Nam nhưng do cha của bé Hân là người nước ngoài nên bé không thể làm giấy khai sinh. Đã quá thiệt thòi khi ra đời trong hoàn cảnh “không cha”, nay bé Hân lại phải mang thân phận của một đứa trẻ không giấy tờ tùy thân và không quốc tịch.
Bé Phạm Gia Hân khoe giấy khai sinh vừa được cấp. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Chịu thiệt thòi vì không quốc tịch
Bà ngoại cùng mẹ bé Hân đã đi nhờ vả khắp nơi từ phường đến quận rồi lên TP Cần Thơ nhưng tất cả đều từ chối. Cái lắc đầu của các cơ quan có thẩm quyền đồng nghĩa với việc bé Hân không được hưởng bất cứ chính sách nào của một trẻ em mang quốc tịch Việt Nam.
“Tôi nhớ có lần con bé bị bệnh phải nằm bệnh viện, các y tá bảo là mang giấy khai sinh bé vào thì sẽ được miễn tiền phòng. Nhưng con bé làm gì có khai sinh. Nhà nghèo không có tiền nên chúng tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi để mà đóng tiền viện phí. Nhớ lại cảnh đó mà đau lòng muốn rơi nước mắt” - bà ngoại bé Hân buồn rầu kể lại.
Thời gian đầu chị Chi cũng liên hệ với cha của bé Hân bên Trung Quốc và có gợi ý việc chu cấp cho con nhưng người cha cố tình né tránh, gánh nặng kinh tế lại đè lên vai gia đình. Trước tình cảnh ấy, chị Chi đành để con lại cho bà nuôi rồi đến tỉnh Bình Dương làm công nhân khi bé Hân vừa tròn sáu tháng tuổi.
Ngày tháng thấm thoắt trôi nhanh, bé Hân sắp đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng vì không có giấy khai sinh nên nhà trường không chịu nhận. Vì thế, tận dụng lúc về phép thăm, chị mua tập sách về tự dạy cho con được chữ nào hay chữ đó.
Chị Chi kể: “Tôi đang rầu thì nhận được điện thoại của gia đình nói là có thể làm giấy khai sinh cho bé Hân nên tức tốc xin nghỉ làm về quê. Khi cầm tờ giấy khai sinh của con trên tay, tôi mừng đến rơi nước mắt. Giờ tôi có thể tập trung làm kiếm tiền nuôi con, báo hiếu cha mẹ rồi”.
Theo ông Đinh Văn Lợi (công chức tư pháp - hộ tịch phường Thuận An, quận Thốt Nốt), trong phường có hơn 20 trẻ em có yếu tố nước ngoài và hiện nay tất cả bé đã có giấy khai sinh để được đi học. Trường hợp bé Hân, mặc dù được sinh ra ở Việt Nam nhưng cha là người nước ngoài và không biết được sau này người cha có sang nhận con mang về Trung Quốc không nên ban đầu chúng tôi không thể làm giấy khai sinh. Nhưng sau khi nhận được công văn hướng dẫn của Sở Tư pháp TP Cần Thơ, UBND phường đã cấp khai sinh cho bé.
Cũng theo ông Lợi, các trường hợp khác mỗi bé một hoàn cảnh khác nhau nhưng cũng đã được gỡ vướng. “Khi làm giấy khai sinh, thông tin của các bé do mẹ các bé khai và chúng tôi có cho làm tờ cam đoan về những thông tin này. Thực lòng khi nhìn tất cả các em có được giấy tờ, được đi học, những người làm tư pháp chúng tôi cũng vui mừng khôn xiết mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ” - ông Lợi nói.
Chịu thua nếu người mẹ cố tình giấu thông tin Theo bà Phạm Thu Hương (Trưởng phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), thời gian qua ngành tư pháp địa phương đã rất tích cực trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài. Kết quả là quận đã tháo gỡ vướng mắc cho 45 trường hợp. Tuy vậy, vẫn còn có các bé không thể đăng ký được khai sinh và tất nhiên là chưa có quốc tịch. Đó là các trường hợp trẻ em sinh ra tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia... Khi người mẹ đưa con về cư trú tại Việt Nam không thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất nhập cảnh để xin hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế. Họ đã đưa con về cư trú tại Việt Nam theo đường dân sinh. Do đó, khi đăng ký khai sinh cho con không có các giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam. Có trường hợp trẻ em được sinh ra ở nước ngoài (đa số là Hàn Quốc, Đài Loan) sau đó được đưa về nuôi dưỡng ở Việt Nam. Khi đăng ký khai sinh, người mẹ cam đoan là chưa đăng ký khai sinh ở nước ngoài và chỉ xuất trình được hộ chiếu mà không có thêm bất kỳ giấy tờ liên quan nào. Vì thế, cán bộ tư pháp không rõ người mẹ do cố ý giấu thông tin hay không thể mang giấy tờ về. Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ chưa đăng ký được khai sinh do cha mẹ không có nơi cư trú ổn định, không còn giữ bất cứ loại giấy tờ gì để chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con với đứa trẻ. Phát sinh hiện tượng mới Hiện nay các cơ quan tư pháp ở Cần Thơ đang gặp khó về hiện tượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đã ly thân nhưng chưa ly hôn, sau đó họ về nước và chung sống với người khác tại Việt Nam như vợ chồng rồi có con. Về pháp lý, những người mẹ này vẫn còn tồn tại hôn nhân với người chồng nước ngoài nên khi có con với chồng khác thì cũng không thể làm khai sinh cho trẻ. Giải pháp hiện nay là Phòng Tư pháp các quận, huyện phối hợp với UBND các phường hướng dẫn và hỗ trợ những phụ nữ này liên hệ với TAND TP Cần Thơ để làm thủ tục ly hôn với người chồng ở nước ngoài. Đồng thời, cơ quan tư pháp vận động nguồn xã hội hóa để lấy kinh phí hỗ trợ xét nghiệm ADN cho các trường hợp đặc biệt khó khăn để người cha sống ở Việt Nam nhận con và đăng ký khai sinh cho trẻ. |