Giáo dục TP.HCM đặt mục tiêu tiên tiến trên thế giới

(PLO)- Những giải pháp cho ngành GD&ĐT TP.HCM được đưa ra nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong năm học 2022-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022-2023.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (bìa phải) tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (bìa phải) tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chế tài chưa đủ mạnh để chấn chỉnh sai phạm

Năm học vừa qua TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Ngành GD&ĐT chịu tác động khi học sinh (HS) phải tạm ngưng đến trường. Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn ngành, ngành GD&ĐT đã đảm bảo hoạt động dạy học trong tình hình dịch bệnh và đạt được những thành tựu ấn tượng. Bên cạnh đó, ngành giáo dục TP đã phối hợp với ngành y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho HS và trẻ em từ năm đến dưới 18 tuổi.

Tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu về những khó khăn trong năm qua, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện số trường và số phòng học chưa đủ đáp ứng dạy học hai buổi/ngày cho tất cả HS, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018. Nhiều đơn vị gặp khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu CT GDPT 2018, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Quá trình xây dựng trường ngoài công lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn do các địa phương thiếu quỹ đất, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc. Công tác tuyển dụng giáo viên (GV) trong năm học 2021-2022 chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng thiếu GV, nhất là GV các bộ môn tiếng Anh, tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật; tỉ lệ GV/lớp chưa đủ đáp ứng theo quy định, nhất là đối với loại hình học tập hai buổi/ngày. Công tác tuyển dụng GV trong năm học 2021-2022 thực hiện chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng thiếu GV, nhất là GV các bộ môn tiếng Anh, tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật.

Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá ngành GD&ĐT trong năm qua còn tồn tại một số vấn đề. Giai đoạn dạy học trực tuyến khá dài, một số HS không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa GV và HS ít làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của HS, nhất là HS lớp 1. Ngoài ra, việc học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý và kỹ năng sống của HS. Tinh thần tự giác và ý thức chấp hành quy định pháp luật ở một số trung tâm ngoại ngữ, tin học chưa tốt. Một số trung tâm chưa quan tâm đến nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ GV, sử dụng lao động người nước ngoài, công tác phòng cháy chữa cháy, nội dung quảng cáo chưa đúng theo giấy phép được cấp. Nguyên nhân là do các biện pháp chế tài chưa kịp thời và đủ mạnh để chấn chỉnh những sai phạm, địa bàn rộng nên chưa kịp thời nắm bắt các sai phạm…

TP.HCM sẽ tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023 ngành giáo dục cần thực hiện một số nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển mạng lưới triển khai CT GDPT 2018 đối với các lớp 3, 7 và 10, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa đối với các lớp 4, 8 và 11; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện CT GDPT 2018.

99,5%

là tỉ lệ tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm học 2021-2022. Tại các kỳ thi quốc tế được tổ chức, TP.HCM có một HCV Olympic Hóa học quốc tế và một HCB Olympic Toán học quốc tế. Tại kỳ thi nghiên cứu khoa học quốc tế Genius Olympiad, TP xuất sắc đạt thành tích ba HCV, bốn HCB, sáu HCĐ và hai giải khuyến khích. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia, TP đạt 115 giải. TP có sáu năm liền dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ngành giáo dục sẽ tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập.

Đặc biệt, trong năm học này, ngành giáo dục TP sẽ tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngoài ra, các đơn vị sẽ tạo lập môi trường tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp; thu hút HS, sinh viên quốc tế và GV, giảng viên quốc tế học tập, giảng dạy.

Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết TP.HCM luôn là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp GD&ĐT; là xuất phát điểm của nhiều mô hình mới, hiệu quả với những biện pháp tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá.

TP đã thực hiện tốt chủ trương của ngành là “ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập” và chủ trương của TP là “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”. TP đã linh hoạt, chủ động triển khai và kiên trì thực hiện kế hoạch đảm bảo cho toàn bộ HS TP được học tập trực tuyến và sớm trở lại học tập trực tiếp tại trường khi kiểm soát tốt dịch COVID-19. TP.HCM là một trong những địa phương mở cửa trường học trở lại sớm nhất mặc dù là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch.

Ông Phúc cho biết ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”. Đề nghị ngành giáo dục TP trong năm học 2022-2023 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như hoàn thiện thể chế; đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin…•

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI:

Cần có thêm tiêu chí trường học hạnh phúc

Năm học mới, TP.HCM sẽ tổ chức việc học tập an toàn và hiệu quả. Hiện tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của TP đang thấp so với các địa phương trong cả nước, đặc biệt tỉ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi thấp nhất trong 63 tỉnh, TP. Do đó, ngành giáo dục TP phải phối hợp với ngành y tế và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động tiêm phòng.

Về tình hình GV nghỉ việc sau dịch, cần nắm bắt chính xác, giải quyết đúng vấn đề để đảm bảo sự ổn định. Với những khó khăn của cấp học mầm non, từng địa bàn cần rà soát có bao nhiêu cơ sở đóng cửa, số HS tại các lớp học, số GV, bảo mẫu tại những cơ sở này để có hướng giải quyết.

Đối với tình trạng quá tải trường lớp ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát và khắc phục ngay. Quận, huyện sẽ lo phòng học, trường học tạm. Không thể chấp nhận một lớp học có tới 50-60 HS.

Về vấn đề sách giáo khoa, đề nghị sở cùng các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường thực hiện một cách minh bạch. Đừng để sự việc tương tự Việt Á diễn ra trong ngành giáo dục.

Đề nghị ngành giáo dục khẩn trương hoàn thiện chiến lược giáo dục của TP. Chúng ta phải đặt ra chuẩn của ngành giáo dục tầm tiên tiến trên thế giới, chuẩn đầu ra cho HS phải là công dân toàn cầu.

Đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu có thêm tiêu chí trường học hạnh phúc. Đối với trường chuẩn, ngoài vấn đề cơ sở vất chất, chất lượng giáo dục phải làm sao để cô và trò đến trường đều cảm thấy hạnh phúc.

Ông PHẠM THANH TÂM, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Đức:

Đào tạo giáo viên cho chương trình 2018

Trước năm học mới còn một số băn khoăn khi thực hiện CT GDPT 2018. Chương trình rất hay tuy nhiên còn thiếu đội ngũ để tập huấn chương trình. Ví dụ các hoạt động trải nghiệm theo lịch tuần ba tiết chưa có GV chuyên môn. Mặt khác, ngoại ngữ 2 cũng thiếu GV để triển khai.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi các quy định về xây dựng trường lớp theo mục tiêu xã hội hóa trong giáo dục. Bản thân tôi có tiền, có đất nhưng bốn năm qua vẫn chưa xây dựng được trường do vướng quy định.

Ông TRẦN CÔNG TUẤN, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận:

Quan tâm trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên

Hệ thống trường công lập hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 70% số HS lớp 9 vào học lớp 10. Như vậy có 30% HS phải học tại các trường khác như trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Vậy vấn đề đặt ra là các trường này có đáp ứng được nhu cầu học không. Thiết nghĩ ngành giáo dục cần phải quan tâm đầu tư vào đội ngũ GV, cảnh quan, cơ sở vật chất của mô hình này để đảm bảo cho HS không bị thiệt thòi khi theo học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm