Cận cảnh học sinh trường chuyên

Cận cảnh học sinh trường chuyên ảnh 1
Một học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
tranh thủ học bài trên đường đến trường


Những cuộc ganh đua điểm số diễn ra phổ biến và đã có học sinh học đến nỗi phát bệnh tâm thần.

Từ tâm sự về những áp lực phải thường xuyên đối diện khi chọn trường chuyên làm nơi học tập của một học sinh lớp chuyên Văn – Anh trên Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 28.12, chúng tôi đã thử tìm đến một số trường chuyên tại TP.HCM để ghi nhận xem đó có phải là câu chuyện cá biệt hay là một thực tế đang tồn tại ở các trường chuyên, nơi lâu nay vẫn được xác tín có chất lượng dạy và học rất tốt.

Học đến suy dinh dưỡng

Có mặt tại trường chuyên THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đúng vào giờ ra chơi, chúng tôi thấy có nhiều học sinh tụ tập xem triển lãm ảnh, số khác đá cầu hay tụ từng nhóm nói chuyện giữa sân trường. Trái với không khí sôi động đó, trong một số lớp học nhiều học sinh không chịu rời khỏi lớp mà hì hụi học bài. Ghé qua phòng y tế, chúng tôi thấy có bốn học sinh đang nằm nghỉ tại đây vì nhức đầu, đau bụng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, cán bộ phụ trách phòng y tế của trường cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 80 – 100 học sinh xuống khám. Đa số đều có triệu chứng đau đầu do ngủ không đủ, ngủ không đúng giờ, học không thư giãn hoặc bị các bệnh rối loạn tiêu hoá, đau bao tử vì ăn uống tuỳ tiện... “Nhiều em học sinh mê học quá, không chăm lo sức khoẻ, học ngày học đêm nên suy nhược cơ thể, có khi ngất xỉu”, bà Oanh kể.

Tiếp xúc với chúng tôi, một số học sinh cho biết thời gian biểu một ngày của các em đa phần chỉ dành cho việc học. Ngoài các giờ học theo chương trình, các em còn phải tham gia các lớp nâng cao theo từng khối. Ngày học ở trường, tối lại đi học thêm ở ngoài. Từ ba năm nay, thời gian của Võ Thị Thanh Vân, học sinh lớp 12 song ngữ 2 trường Lê Hồng Phong được “lập trình” như sau: sáng khoảng năm giờ hoặc năm giờ rưỡi thức dậy học bài. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong thì đến trường. Chiều, nếu học nâng cao thì ở lại trường. Tối lại đi học thêm, học đến chín giờ mới về nhà, nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục học cho đến 11 giờ mới ngủ. “Nếu ngày nào nhiều bài tập hoặc kiểm tra thì 12 giờ đêm em ngủ, sáng bốn giờ phải dậy học”, Vân kể.

Theo đánh giá của bà Oanh, những học sinh hay xuống phòng y tế là những em thường bức xúc việc học của mình. So với những học sinh khác thì những em này đa phần bị suy dinh dưỡng. “Vì ráng học để đạt mục đích, có em quên ăn, quên ngủ. Có trường hợp bị xỉu. Vô đây chuyện đầu tiên tôi hỏi là đã ăn sáng chưa. Học sinh này trả lời “có” nhưng bạn đi theo đứng sau xua tay bảo không. Nhiều em thừa nhận là thức học đến hai, ba giờ sáng…”, bà Oanh kể.

Phát bệnh thần kinh vì áp lực điểm số

Hầu như học sinh nào khi được hỏi cũng đều xác nhận môi trường giáo dục và chương trình đào tạo của trường mình rất tốt, kiến thức thu nhận được rất nhiều. Cha mẹ các em cũng rất yên tâm. Có phụ huynh còn nói với con “học trường chuyên thì nắm chắc một vé vào đại học”. Tuy nhiên đổi lại, những yêu cầu từ chương trình học khiến các em gần như gắn với việc học và luôn ám ảnh điểm số. Chính từ đây các em tự gây áp lực cho mình bằng cách ganh đua, học đêm học ngày để kiếm điểm, để trụ hạng.

Tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), khi đậu vào trường, học sinh sẽ được đăng ký học theo lớp chuyên của mình. Cuối năm, trường sẽ tổ chức thi sát hạch để sàng lọc học sinh. “Dù học sinh đang học lớp chuyên nhưng qua một thời gian nếu thi không đạt, nhà trường bắt buộc phải cho những em này về lớp thường học. Những em không còn theo nổi thì trường cũng có cách để phụ huynh tự cho con chuyển trường”, bà Tô Thị Thanh Danh, phó hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa cho biết.

Không chỉ chịu sức ép từ yêu cầu chỉ tiêu của trường mà sự kỳ vọng quá lớn của gia đình cũng gây ra cho học sinh tâm lý căng thẳng. Muốn con học giỏi, đạt thứ hạng cao nên nhiều phụ huynh bắt phải học thêm, thúc ép vào đội tuyển mà quên mất chuyện vui chơi, giải trí của con. Một học sinh lớp 12 trường Lê Hồng Phong tâm sự: “Ba mẹ sợ em bị ra khỏi lớp chuyên, thua bạn bè nên bắt em phải học thêm hai chỗ. Bài vở ngập đầu, có lúc học muốn xỉu nhưng sợ làm ba mẹ buồn nên em phải ráng. Học triền miên thế này có khi em điên mất. Lớp em có nhỏ bạn, học rất giỏi nhưng nhiều khi cứ ngồi ngây ra như người mất hồn, ai gọi cũng không biết”.

Cùng tâm sự đó, một học sinh chuyên toán của trường chuyên Tiền Giang thừa nhận: “Những tiết học trống hay ngày chủ nhật tụi em cũng muốn đi chơi nhưng nói thật là không dám đi vì bài tập dồn lại rất nhiều. Đi chơi mà tâm trạng cứ lo nghĩ đến đống bài vở ở nhà thì sao vui nổi. Đến kỳ thi học sinh giỏi, không thi đội tuyển bị thầy cô la, về nhà ba mẹ lại thúc ép. Tụi em rất bị áp lực, vì nếu thi rớt nổi tiếng còn hơn thi đậu”.

Trao đổi với tư cách cá nhân, một lãnh đạo trường chuyên cho biết, hiện dưới chiếc giá đựng báo tại phòng ông vẫn còn mấy cuốn sách và một xấp giấy của một học sinh lớp 11. Em học sinh này bị hoang tưởng và luôn nghĩ rằng mình là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty mẹ ở Singapore. Xấp giấy đó, em học sinh này gọi là “cổ phiếu” và mời thầy hiệu trưởng góp vốn. Trước đó, tại trường này cũng xảy ra một vụ học sinh có ý định tự tử nhưng nhờ nhà trường can thiệp kịp thời nên cứu được. “Có thể gia đình không theo dõi tình hình sinh hoạt, không quan tâm sát sao với con cái nên khi con phát bệnh thì không biết. Áp lực bài vở, học mệt quá cũng là nguyên nhân khiến các cháu bị như vậy”, vị này thừa nhận.

Học sinh trường chuyên yếu kỹ năng xã hội

Theo kết quả của một cuộc khảo sát của viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM tiến hành với 800 học sinh của sáu trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên tại TP.HCM, so với học sinh trường không chuyên, học sinh các trường chuyên có điểm IQ (chỉ số thông minh) hơn hẳn.

Về chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc), học sinh trường chuyên có thể làm việc với áp lực cao, có sự rõ ràng, quả quyết, có nhận thức cá nhân cao. Với kỹ năng tư duy, phán đoán tốt, các em có khả năng phân tích các mặt khác nhau của một vấn đề. Tuy nhiên, do quá yêu mến “cái tôi”, một số học sinh đặt vị trí, vai trò của mình quá cao trong tập thể; khó chấp nhận ý kiến của người khác và chính tư duy này đã cản trở những nỗ lực nhằm phát huy hết các tiềm năng của các em, khiến kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm cũng như giải quyết vấn đề của học sinh trường chuyên không được phát triển đúng mức.

Kiến thức quá nặng cũng làm cho cuộc sống của học sinh trường chuyên thiếu cân bằng. Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là kỹ năng xã hội của học sinh các trường chuyên chiếm vị trí rất thấp trong 13 tiêu chí đánh giá EQ. Theo nhóm nghiên cứu, kỹ năng xã hội sẽ giúp học sinh biết chấp nhận xã hội và được xã hội chấp nhận.

Theo Trung Dũng ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm