XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Lỗi do ngân sách, sẽ phạt ai?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thanh Nam, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận: Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dụccó nhiều quy định phi thực tế.

Thiếu tiền sẽ bị phạt?

Như khoản 5 Điều 5 dự thảo quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bố trí số lượng học sinh, sinh viên/lớp vượt quá mức quy định”. Theo ông Nam, về sĩ số lớp vượt quá sĩ số thì rất nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT tại TP.HCM mắc phải mà lỗi này không phải do chính cơ sở giáo dục gây ra thì làm sao xử phạt họ. Việc thiếu trường lớp là vấn đề muôn thuở, dân nhập cư đông, ai cũng muốn con có chỗ học thì ngành giáo dục TP.HCM không thể nào đảm bảo quy chuẩn về sĩ số được.

Ở khoản 3 Điều 25 dự thảo nghị định nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoặc để xảy ra tai nạn đối với người học hoặc người dạy”. Trong đó quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ số lượng, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh, khu để xe, hệ thống cấp thoát nước và các công trình phục vụ dạy và học khác theo quy định”. Ông Nam cho biết thực tế tại TP.HCM hiện nay còn rất nhiều trường thiếu thốn trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất, điều kiện phòng ốc, sân bãi không đảm bảo đạt chuẩn là do thiếu sự quyết liệt đầu tư, phân tích ra thì lỗi ở chỗ không có tiền, vướng Nghị quyết 11 “Tiết kiệm đầu tư công” nên các trường khó xin ngân sách.

Lỗi do ngân sách, sẽ phạt ai? ảnh 1

Hiện nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT tại TP.HCM luôn vượt quá sĩ số học sinh trong một lớp theo quy định. Ảnh: ĐNT

Phạt ai? Tiền đâu nộp phạt?

Ông Nam thắc mắc không biết áp dụng quy định này sẽ phạt ai? Nếu công bằng mà quy trách nhiệm thì trách nhiệm này không phải của hiệu trưởng các trường. Trách nhiệm chính là những người quản lý ngân sách các địa phương có chịu “rót” để các trường đầu tư không.

Cũng tại khoản 3 này còn quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi để xảy ra tai nạn đối với người học, người dạy”. Hiệu trường một trường tiểu học phân tích: Tai nạn trong trường học rất khó xử phạt, trường hợp học sinh hiếu động bị tai nạn, trách nhiệm thuộc về giám thị, hay thầy cô giáo quản lý lớp học chịu trách nhiệm cần phải quy định rõ ràng. Không thể cái gì cũng xử phạt đơn vị trường học, cụ thể là hiệu trưởng tiền đâu họ đóng phạt. Nếu lấy công quỹ thì không có khoản tiền nào để nộp phạt. Muốn lập quỹ an toàn lại phải huy động tiền của cha mẹ học sinh.

Trái tuyến có phải là sai đối tượng?

Đối với khoản 2 Điều 7 quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định vào các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông…” khiến không ít trường phải băn khoăn lo ngại. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng Phụ trách mầm non của GD&ĐT quận 3, cho rằng cần quy định cụ thể thế nào là sai đối tượng. Nếu sai ở đây bao gồm cả tuyển sinh trái tuyến là cứng nhắc, không hợp lý. Hằng năm Sở vẫn quy định các trường không nhận học sinh trái tuyến nhưng vẫn cho các địa phương linh động tùy theo điều kiện từng địa bàn. Hầu hết các trường ít nhiều phải nhận học sinh trái tuyến vì để thuận lợi cho học sinh, nhu cầu phụ huynh trong khả năng đáp ứng của trường. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 thẳng thắn thừa nhận chất lượng trường học không đồng đều, phụ huynh chọn trường này hoặc trường khác là nhu cầu có thật. Họ chọn trường cho con có thể theo sở thích, tài chính, điều kiện công việc… nên không thể cấm, chưa kể trong số đó chủ yếu là con cháu lãnh đạo này, cán bộ kia. Mỗi năm chỉ tiêu cho học sinh lớp 1 của trường là 300 em nhưng phường huy động hết cũng chỉ 250 em ra lớp, có năm chỉ có 200 em, khi đó tất nhiên trường sẽ được nhận trái tuyến. Lượng học sinh trái tuyến hằng năm rất nhiều, lý do nào cũng chính đáng. Nếu để quy định này sẽ làm khó nhà trường và cả lợi ích của học sinh là không nên.

Thẩm quyền xử phạt đổ dồn cho cấp tỉnh

Điều 26 dự thảo nghị định này quy định thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp theo từng mức tiền phạt.

Tuy nhiên, hàng loạt mức phạt tiền tối đa trong bản dự thảo này cao hơn 25 triệu đồng, tức là thẩm quyền, trách nhiệm xử phạt của ông chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quy định như vậy thì trách xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh là quá nặng, rất khó để kham hết. Trong khi đó, thực tế với vai trò chủ tịch UBND của một tỉnh người này đã có quá nhiều việc phải đảm nhiệm (mặc dù người này có thể ủy quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng chỉ được ủy quyền cho cấp phó). Như vậy nếu giữ nguyên quy định về thẩm quyền xử phạt theo mức phạt tiền tối đa như thế này thì vai trò của “ông tỉnh” sẽ khó có thể đảm đương hết.

ThS CAO VŨ MINH - khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM

ANH PHÚ

Q.VIỆT - P.ANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm