Mệt mỏi với kiểm tra trực tuyến

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hơn 1,3 triệu học sinh (HS) phổ thông tại TP.HCM phải học trên môi trường Internet. Hiện nay, các trường đang triển khai việc kiểm tra thường xuyên và giữa kỳ. So với kiểm tra trực tiếp, việc kiểm tra trực tuyến có nhiều hạn chế khiến cô trò mệt mỏi.

Không thể truy cập phần mềm

“Đang làm bài kiểm tra thường xuyên trên website, mạng bị lag khiến em không thể tiếp tục truy cập. Em phải liên hệ với giáo viên để làm lại bài kiểm tra” - em MN, HS một trường THCS tại quận 3, chia sẻ.

Thời điểm này, các môn đang thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với HS thông qua các phần mềm và trang web trực tuyến nên tình huống em N gặp phải không phải hiếm.

Tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú, các bài kiểm tra đều được thực hiện trên phần mềm K12 Online.

Em Phùng Khánh Linh, HS của trường, cho biết việc kiểm tra đôi lúc gặp vấn đề. Ban đầu, giáo viên cho quá nhiều câu hỏi nhưng thời gian làm bài quá ít, HS chưa quen thao tác trên phần mềm nên đa phần đều không kịp giờ. Sau đó, khi được góp ý, thầy cô đã rút bớt câu hỏi và tăng thời gian làm bài. “Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, phần mềm bị trục trặc. Có bạn không nhận được đề, có bạn dù nộp bài nhưng không được chấp nhận, phần mềm không chấm điểm. Tất cả sự cố đó giáo viên đều nắm và cho kiểm tra lại vào một giờ khác. Điều này khiến chúng em lại phải tốn thêm thời gian” - Linh tâm sự.

Không chỉ HS, nhiều giáo viên thừa nhận việc kiểm tra trực tuyến khiến họ vất vả hơn rất nhiều so với kiểm tra trực tiếp.

Dạy nhiều lớp, lại dạy online, việc kiểm tra không thể tập trung, phải theo thời khóa biểu nên cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, phải làm rất nhiều đề kiểm tra. Chưa kể, đường truyền mạng không ổn định đã làm ảnh hưởng đến tiến độ làm bài và nộp bài trên hệ thống của HS. Có nhiều em đến giờ nộp bài, mạng bị lag không nộp được. “Với trường hợp trên, tôi cho các em chụp màn hình gửi tại chỗ hoặc cho HS kiểm tra lần 2 vào một giờ thích hợp. Như vậy, giáo viên phải mất thời gian làm đề kiểm tra mới” - cô Hiệp chia sẻ.

Hơn nữa, năm nay cô Hiệp dạy tổng cộng 15 lớp cho ba khối với hơn 500 bài kiểm tra. Đa phần những lớp cô dạy có hai hình thức kiểm tra trắc nghiệm và tự luận hoặc tự luận 100%. Trong đó chỉ khối 12 là trắc nghiệm 100%, các khối còn lại xen kẽ giữa hai hình thức. “Việc phải chấm số lượng bài trên máy quá lớn khiến tôi rất mệt, nhất là tình trạng mỏi, căng và nhức mắt. Dùng chuột quá nhiều khiến tay tôi cũng bị tê cứng. Giá như tất cả khối lớp đều được kiểm tra trắc nghiệm 100% thì giáo viên sẽ đỡ cực trong khâu chấm bài” - cô Hiệp bày tỏ.

Em Phùng Khánh Linh cho biết việc kiểm tra đôi lúc gặp vấn đề do phần mềm trục trặc. Ảnh NVCC

Học trực tuyến: Cố gắng nhưng khó đạt hiệu quả cao

“Kiểm tra trực tuyến cực lắm” - thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, bày tỏ.

Việc kiểm tra cực nhất là khâu soạn đề và tạo những đường link để các em truy cập. Có nhiều HS trong thời điểm giáo viên yêu cầu kiểm tra không thể đăng nhập do mạng chập chờn, quá tải.

Cô Lê Thị Trang, giáo viên Trường THCS - THPT Phan Bội Châu, quận 6, cho biết bên cạnh những mặt tích cực, hình thức dạy học online tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt việc kiểm tra online. Việc lựa chọn một phần mềm để kiểm tra đảm bảo được các yếu tố: bảo mật, công bằng, chấm điểm nhanh, không lộ đề… là một điều rất khó. Mỗi phần mềm sẽ có những điểm chưa thực sự tốt nên trong quá trình kiểm tra vẫn còn rất nhiều lỗi. Thứ hai là thực trạng một bài kiểm tra ba người làm. Như vậy nó chưa đánh giá được thực chất kết quả học tập của HS. Thứ ba, một số HS đang gặp khó khăn trong thiết bị học tập và đường truyền mạng. Do đó, khi cô mở bài kiểm tra, HS bị rớt mạng hoặc trục trặc thiết bị học tập sẽ không tiến hành kiểm tra được. Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang cho HS và khó khăn cho giáo viên khi chấm bài để đánh giá.

“Chưa kể một số phần mềm yêu cầu rất phức tạp. Nó đòi hỏi việc tạo đề phải đáp ứng các quy định, đúng từng dấu phẩy, dấu chấm, dấu thăng. Hôm đó, dù tôi đã làm đúng theo yêu cầu, tôi soạn 10 câu nhưng chỉ tải lên phần mềm được ba câu. Tôi cũng không hiểu vì sao lại như thế” - thầy Nguyễn Kim Hùng, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, nói thêm.

Nhiều người lo ngại việc cho trắc nghiệm toàn bộ sẽ tạo điều kiện cho HS dễ quay cóp. Về vấn đề này, cô Hiệp cho rằng giáo viên hiện đã linh hoạt đổi mới cách ra đề. Những câu trắc nghiệm đều gắn liền với thực tiễn, muốn làm được HS phải hiểu bài.

Thực tế, việc dạy online, kiểm soát chỉ là tương đối nhưng đối với những HS không tập trung đầu tư, chỉ có thể đạt được điểm 5, điểm 6. Vì trong đề kiểm tra, giáo viên có thể điều chỉnh được tỉ lệ kiến thức. Lý thuyết khoảng 50%-60%, còn lại tăng kỹ năng và thực tiễn.

Học sinh lớp 9, 12 dự kiến trở lại trường từ tháng 12

Về việc tổ chức đi học lại, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của các sở, ngành và phụ huynh HS. Sau khi đánh giá cấp độ dịch ở các quận, huyện, phường, xã, tiến độ tiêm vaccine cho HS, đây là cơ sở quan trọng để Sở GD&ĐT tham mưu UBND TP quyết định cho các đơn vị giáo dục cho HS đi học lại. Trong đó, ưu tiên cho HS lớp 9, lớp 12 và những HS đã tiêm hai mũi vaccine.

Đầu tháng 12, sau khi các em hoàn tất tiêm hai mũi vaccine, sở sẽ có kế hoạch trình UBND TP, phối hợp với các quận, huyện đánh giá mức độ an toàn để các em đến trường. Việc trở lại trường phải trên quan điểm đến trường là phải an toàn và an toàn thì mới đến trường.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm