TP.HCM: Đến năm 2030, 50% HS đạt chứng chỉ tin học quốc tế

UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh (HS) phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030”.

UBND TP giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai đề án.

Sở GD&ĐT và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thẩm định, cho phép các trường phổ thông trực thuộc triển khai chương trình trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện của HS và phụ huynh HS.

Theo đề án, với chương trình giáo dục phổ thông mới, tin học đã trở thành môn chính thức được giảng dạy kể cả bậc tiểu học. Vì thế, việc đầu tư phòng máy, máy vi tính và đội ngũ đạt chuẩn nhằm đảm bảo 100% các trường phổ thông dạy môn tin học là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.

TP có nhiều lợi thế hơn các tỉnh, thành trong cả nước về cơ sở vật chất, phòng máy, về đội ngũ giáo viên dạy tin học. Ngành GD&ĐT cũng đã có nhiều kinh nghiệm và điều kiện cơ bản trong quá trình thí điểm thành công, từ năm 2014 việc đưa vào giảng dạy tin học tại trường phổ thông theo chuẩn quốc tế IC3 Spark, IC3 và MOS.

Khi thực hiện đề án, song song việc triển khai thực hiện dạy tin học theo chương trình hiện hành và theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT ban hành, ngành GD&ĐT triển khai thực hiện các chương trình tin học theo chuẩn quốc tế, khuyến khích đưa vào các trường phổ thông nhiều chương trình theo chuẩn quốc tế đa dạng.

Trong giai đoạn hiện nay, đưa vào giảng dạy tại trường phổ thông các chương trình nhằm khuyến khích HS đạt các chứng chỉ của Certiporl và ICDL. Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng triển khai chương trình tin học theo chuẩn quốc tế với hình thức dạy học tăng cường, trong chương trình dạy nghề, ngoại khóa, dạy buổi 2 trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của phụ huynh.

Đề án được dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách TP, ngân sách quận, huyện theo phân cấp kết hợp với xã hội hóa để đảm bảo triển khai một cách hiệu quả.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 học hướng nghiệp trên máy tính. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Việc triển khai đề án trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 2021-2022:

Đối với các trường tiên tiến - hội nhập: 90% HS được học và 30% đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Trong khi đó, các trường phổ thông khác đáp ứng 40% nhu cầu HS và 20% HS đạt chứng chỉ tin học quốc tế. 80% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế theo cấp học. Giai đoạn này đảm bảo 100% trường phổ thông có phòng máy vi tính và 50% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

Giai đoạn 2023-2025:

Các trường tiên tiến - hội nhập, 100% HS được học và 50% đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Các trường phổ thông khác, đáp ứng 50% nhu cầu HS và 30% HS đạt chứng chỉ tin học quốc tế. 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế theo cấp học. Giai đoạn này tiếp tục đầu tư nâng cấp, đảm bảo 100% trường phổ thông có phòng máy vi tính và 80% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

Giai đoạn 2025-2030:

Các trường tiên tiến - hội nhập, 100% HS được học và 80% đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, đáp ứng 80% nhu cầu HS và 50% HS đạt chứng chỉ tin học quốc tế. 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế theo cấp học.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm