Sáng 28-4, tại buổi họp mặt kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2021), Giáo sư-Bác sĩ (GS-BS) Trần Đông A đã chia sẻ câu chuyện về ca mổ lịch sử tách cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 và ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi hôm 15- 7-2020.
Giáo sư Trần Đông A kể về ca mổ song sinh. Ảnh: NGUYỆT NHI
BS Trần Đông A cho biết cả hai cặp song sinh này đều thuộc loại song sinh dính nhau bụng chậu. Đây một trong những ca khó nhất trên thế giới và được ngành phẫu thuật nhi coi là một sự thách đố, riêng ca Việt - Đức năm 1988 là đặc biệt khó khăn.
Theo GS Trần Đông A, trước cặp song sinh Việt - Đức, trên thế giới mới chỉ có sáu ca tương tự được mổ. Trong đó, hai ca sống cả hai bé, hai ca chết cả hai bé, còn hai ca thì có một bé sống, một bé chết.
Ca song sinh Việt - Đức còn là ca khó nhất bởi lúc đó Việt bị bại não sau khi bị viêm não cấp. Khi đó, dù Hội chữ thập đỏ Nhật Bản đã đồng ý đưa cặp song sinh sang Nhật mổ nhưng Chính phủ Nhật Bản chưa đồng ý vì chưa có tiền lệ nào trong y văn thế giới. Nhưng nếu không mổ thì Việt với tình trạng bại não có thể chết bất cứ lúc nào và lúc đó Đức cũng sẽ chết theo.
Chưa kể, vào lúc này, Việt Nam đang trong giai đoạn bị cấm vận cực kỳ ngặt nghèo, thiếu nhiều loại thuốc, đến thuốc kháng sinh cũng không có nên phải kêu gọi sự giúp đỡ ở rất nhiều nơi.
Ông cũng chia sẻ lý do từ chối sang Mỹ định cư. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Chúng ta đã mổ cho cặp song sinh Việt - Đức trong hoàn cảnh rất khó khăn và chưa có tiền lệ trong y văn thế giới” – GS Trần Đông A khẳng định và cho biết đã kiến nghị với Thành uỷ TP.HCM để thảo luận tất cả vấn đề trước khi mổ.
Theo đó, ông được chọn là trưởng ê-kíp và phẫu thuật viên chính. Ông cũng được tự chọn những người cộng tác cho ca phẫu thuật. Tuy nhiên, lúc đó cả Việt Nam chỉ có BS Đông A là phẫu thuật viên nhi được đào tạo bài bản. Các thành viên còn lại đều là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình nhưng là phẫu thuật cho người lớn.
GS Trần Đông A cho biết, cả thế giới đều nói người lớn có thể điều trị như một đứa trẻ, nhưng ngược lại có thể trở thành thảm họa.
Sau đó, với bảy tháng thảo luận chi tiết từng tình huống, dù là xấu nhất, ca mổ đã diễn ra thành công, cứu được cả hai cháu bé Việt – Đức. Sau ca mổ, Việt dù bị bại não nhưng vẫn tiếp tục sống thêm 19 năm; còn Đức sống khỏe mạnh đến giờ, cũng đã lập gia đình và có hai con nhỏ.
“Điều đáng nói, hai cháu có chung một bộ phận sinh dục, hậu môn và đều đã dành cho cháu Đức, đến giờ cháu vẫn sử dụng tốt là điều chưa từng có trong y khoa thế giới” – GS Trần Đông A xúc động kể.
Theo vị bác sĩ đầu ngành, từ thành công của ca mổ Việt - Đức, thế giới đã đánh giá ca mổ này là bài học cuộc sống, thể hiện tài năng của e-kip mổ. Đồng thời là bài học về sự can đảm của Đức đã xin được mổ dù chỉ mới 8 tuổi, biết nguy hiểm có thể chết trên bàn mổ.
“Chúng ta cũng rất vinh dự vì có sự quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam vì đã yểm trợ tối đa cho ca mổ chưa có tiền lệ trên thế giới” – ông khẳng định.
Sau 32 năm, với ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi, BS Đông A tự hào được mời làm người tham vấn, chứng kiến đàn em, học trò của mình thực hiện từ đầu đến cuối. Ông cho biết đây là một ê- kip với nhiều bác sĩ phẫu thuật nhi được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế. Ông chứng kiến sự tiến bộ về kinh tế, y tế của đất nước.
Tại buổi họp mặt, GS Trần Đông A cũng chia sẻ việc ông từ chối sang Mỹ định cư dù là một trong 30 trường hợp đặc biệt được Chính phủ Mỹ bảo lãnh, cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) để đưa gia đình sang Mỹ định cư. Ông đã chọn được ở lại cống hiến cho nền y học nước nhà.
Ông thừa nhận từ chối sang Mỹ định cư là quyết định khó khăn nhất lúc bấy giờ.
“Nhiều người đều nói tôi dại vì với tay nghề của mình, lại nhận được sự bảo lãnh đặc biệt, tôi hoàn toàn có được cuộc sống và công việc ở Mỹ mà nhiều người mơ ước, nhưng tôi quyết định ở lại đất nước. Với tôi, đó là quyết định lịch sử, đặc biệt quan trọng của cả cuộc đời. Sau đó và tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc” – ông chia sẻ bởi lúc này trẻ em Việt Nam đang rất cần ông.
Về câu chuyện của bác sĩ Trần Đông A, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Chúng ta cảm nhận, trong thời kỳ khó khăn khi mổ một ca mổ như thế lại không đủ thuốc men nhưng chúng ta đã vượt qua và thành công”.