Giao tranh biên giới Syria tiếp diễn khốc liệt

“Chiến dịch nhành ôliu” mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động nhắm vào các tay súng người Kurd ở Syria (YPG) đã bước sang ngày thứ năm. Tình hình xung đột ngày càng leo thang nguy hiểm.

Xe tăng tiến sâu vào Syria

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “Chiến dịch nhành ôliu” từ ngày 20-1 với màn không kích và nã pháo sang Afrin (Syria). Ngày 21-1, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang giai đoạn 2, bắt đầu đưa xe tăng, xe bọc thép đổ bộ vào Syria. Theo thông tin từ trang Sputnik, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22-1 đã tiến vào sâu lãnh thổ Syria 3,5 km.

Theo hãng tin Anadolu, với sự hỗ trợ của lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA), một nhóm vũ trang chống chính phủ tại Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 21-1 đã kiểm soát được 11 địa điểm ở Afrin từ tay YPG. Trong khi đó, trả lời hãng tin RIA Novosti, một đại diện lực lượng người Kurd tại Nga cho biết YPG đã đánh đuổi được quân Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi năm cứ điểm tại Afrin.

Phía YPG cũng thông báo đã có bốn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 10 tay súng FSA thiệt mạng, 20 tay súng khác bị thương trong ngày 21-1. Có khoảng 13.000 tay súng nổi dậy tham gia chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, trang tin Sputnik dẫn lại tiết lộ của một chỉ huy FSA.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển giáp biên giới với Syria ngày 21-1. Ảnh: REUTERS

Người Kurd phản công

Trang tin ANF của lực lượng người Kurd cũng tiết lộ các tay súng YPG sáng 21-1 đã nã tên lửa chống tăng vào một đoàn xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Afrin. Đã có năm xe tăng bị YPG phá hủy trong ngày 21-1.

Lực lượng người Kurd ngày 21-1 cũng phóng hàng loạt tên lửa sang thị trấn Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc được chính Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag xác nhận, thông tin ban đầu cho thấy có ít nhất ba người thiệt mạng và 32 người bị thương.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói đã không kích phá hủy 45 mục tiêu của YPG trong ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch 20-1, trong khi YPG nói ít nhất 100 địa điểm đã bị không kích. Các trận không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ít nhất 10 người chết và 13 người bị thương, theo số liệu được công bố bởi nhóm vũ trang Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà YPG là thành phần chủ lực.

Có thể va chạm với quân Mỹ

Theo đài CNN, diễn biến xung đột thời gian tới tùy thuộc vào quy mô chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục được mở rộng hay không.

Nếu mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập một vùng đệm dọc biên giới, xung đột có thể được kiểm soát. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ muốn chiếm Afrin rồi tiếp tục tấn công để chiếm cả thị trấn Manbij xa hơn về phía Đông, nơi có các lực lượng đặc biệt Mỹ đang đóng quân, tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều.

Khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiềm chế. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 20-1 ra tối hậu thư cho lực lượngYPG ở Manbij đầu hàng. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim công bố ý định lập một vùng an ninh rộng khoảng 30 km bên trong lãnh thổ Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên án chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động xâm lược, cáo buộc chiến dịch này giúp sức cho lực lượng FSA bị chính quyền Damascus xem là khủng bố. Chính phủ Iran ngày 21-1 cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “chấm dứt ngay lập tức” chiến dịch ở Afrin để ngăn chặn khủng hoảng khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Phía Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế nhưng không yêu cầu chấm dứt chiến dịch mà chỉ muốn đảm bảo hạn chế quy mô. Riêng Pháp đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21-1 cho biết “Chiến dịch nhành ôliu” sẽ được hoàn thành “trong thời gian rất ngắn”, đồng thời nói rõ không muốn đối đầu với quân Mỹ ở Syria, kêu gọi phía Mỹ đừng can dự. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới