Giáo viên hưu mòn mỏi chờ phụ cấp thâm niên

Hiện nay, có hơn 400 giáo viên giảng dạy tại 91 trường trên địa bàn TP.HCM về hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 chưa được hưởng phụ cấp thâm niên. Lý do chưa được hưởng vì trước đây các trường nơi họ công tác là trường công lập, có một thời gian chuyển sang bán công rồi lại đổi thành công lập.

Bị vướng vì dính “mác” bán công

Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, cô Nguyễn Thị Hồng, nguyên giáo viên Trường Trần Khai Nguyên, trình bày cô về trường công tác từ năm 1982 và đến tháng 11-2008 thì về hưu. Khi cô mới nhận công tác, Trường Trần Khai Nguyên là trường công lập. Đến năm 1992, trường chuyển sang bán công. Năm 2007, trường lại đổi lại thành công lập như ban đầu. Năm 2013, nghe một số thầy cô trong trường thông báo những giáo viên về hưu trước năm 2011 thì được nhận phụ cấp thâm niên tại Bảo hiểm Xã hội TP.HCM (BHXH) nên cô Hồng cùng các thầy cô khác cũng làm thủ tục để nhận chế độ trên. Tuy nhiên, trong đợt của cô Hồng, chỉ một số người được nhận, số còn lại thì BHXH bảo phải chờ hướng dẫn.

Giáo viên về hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nếu có thời gian công tác tại trường bán công. Ảnh minh họa: HTD

“Là giáo viên về hưu, hoàn cảnh đơn chiếc, khi nghe nói những giáo viên về hưu sẽ được trợ cấp thâm niên, tôi mừng lắm vì có thêm một khoản tiền lo cho con ăn học. Nhưng sau mấy năm chờ đợi, tôi vẫn chỉ nhận được câu chờ hướng dẫn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm đưa ra hướng giải quyết để những giáo viên cao tuổi như tôi kịp hưởng những quyền lợi của mình” - cô Hồng nói.

Tương tự, thầy Nguyễn Đình Hùng, nguyên giáo viên Trường THCS Tân Bình, cho biết: “Tôi về trường từ năm 1988, đến năm 1990 trường chuyển thành trường bán công. Tháng 6-2006, tôi về hưu và cùng thời điểm này trường chuyển trở lại là trường công lập. Điều không hợp lý là các thầy cô giảng dạy sau thời của tôi, về hưu lúc trường đã chuyển qua công lập thì lại được giải quyết phụ cấp, còn như tôi thì chưa. Việc nhận hay không nhận phụ cấp đối với tôi không lớn nhưng phải giải quyết công bằng”.

Bộ trả lời không thỏa đáng

Trao đổi với PV, bà Trương Thanh Phương, Phó phòng Chế độ BHXH TP.HCM, cho biết: Trước đây, khi Quyết định 52/2013/QĐ-Ttg quy định về chế độ trợ cấp đối với những giáo viên đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ thâm niên trong lương hưu có hiệu lực, BHXH TP.HCM đã nhận hồ sơ và tiến hành giải quyết theo quy định. Trong quá trình giải quyết, có một số thầy cô trước đây dạy trường công lập một thời gian chuyển thành trường bán công và trong quyết định về hưu vẫn là trường bán công nên không thuộc đối tượng trong Quyết định 52. Do đó, BHXH chưa có cơ sở giải quyết đối với các trường hợp này. BHXH TP.HCM đã gửi nhiều công văn để xin ý kiến hướng dẫn về những trường hợp đang bị vướng nhưng văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT chỉ liệt kê các đối tượng được hưởng mà chưa nói rõ việc giải quyết ra sao với những đối tượng đang bị vướng thì sẽ giải quyết như thế nào.

“Ngoài các thầy cô thuộc đối tượng trên, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non cũng chưa được giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên. Những vướng mắc trên không những ở TP.HCM mà trên khắp cả nước. Vì thế, BHXH rất mong nhận được những hướng dẫn cụ thể của cấp trên để sớm giải quyết cho các đối tượng hợp tình, hợp lý” - bà Phương nói.

Quy định gây khó cho giáo viên bán công

Theo Quyết định 52, những giáo viên nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến ngày 31-5- 2011 được hưởng trợ cấp thâm niên.

Điều 2 Quyết định 52/2013 quy định rõ: Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm