Cuối tuần qua, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THPT”.
Đừng để “bình cũ rượu mới”
Tại hội thảo, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết chương trình mới đòi hỏi đổi mới dạy học, đổi mới phương pháp, đây là thách thức không nhỏ đối với nhiều nhà giáo.
“Trong quá trình chọn sách giáo khoa, một số thầy cô nêu ý kiến năm nay chọn bộ sách giáo khoa này, sang năm sau cứ thế chọn, đừng thay đổi cho khỏe” - ông Thái nói.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong một tiết học. |
Ông Thái nêu dẫn chứng đất nước Singapore có sự phát triển vượt bậc vì trong các trường học tại đây đều có câu khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”.
“Xuống trường trao đổi với thầy cô về việc đổi mới giảng dạy, tôi nhận thấy giáo viên (GV) vẫn mang tâm lý cũ, môn nào cũng bắt học sinh (HS) phải giỏi trong khi mỗi em có thế mạnh riêng. HS giỏi toàn diện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, thầy cô phải thay đổi, chú trọng đến việc đánh giá, phát triển năng lực của mỗi HS và quan sát, lắng nghe, chia sẻ với các em” - ông Thái chia sẻ.
Trong việc triển khai chương trình mới, một bộ phận GV lớn tuổi không chịu thay đổi, nhiều người lấy lý do chỉ còn hai năm nữa về hưu để từ chối việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. “Trường hợp này, chúng tôi giải thích, động viên họ cố gắng học hỏi để bắt kịp chương trình” - ông Thái nói.
Giải pháp dùng chung
Khó khăn về thiết bị dạy học, tại sao các trường không thực hiện giải pháp dùng chung trong cụm? Hiện Trường Trung học Thực hành đang dùng chung phòng thực hành thí nghiệm với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
GS HUỲNH VĂN SƠN,
Hiệu trưởng Trường ĐHSư phạm TP.HCM
Giải pháp dùng chung GV cũng được Bến Tre triển khai trong thời gian qua.
Theo đó, GV một số môn được phân công dạy liên trường để phát huy hết nguồn nhân lực, giải quyết tình trạng thừa thiếu GV.
Đại diện SởGD&ĐT tỉnh Bến Tre
Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cũng chia sẻ những thách thức đối với GV khi thực hiện chương trình.
Theo bà Tâm, GV gặp khó khăn là do phân phối giảng dạy theo khung chương trình còn ngắn, thời lượng ít, nội dung cần truyền tải khá nhiều nên dẫn tới việc các thầy cô buộc phải dạy nhanh để theo kịp phân phối.
“Thực tế GV rất mong muốn sử dụng các phương thức, phương tiện dạy học tích cực nhưng thời gian không cho phép và để đảm bảo kiến thức, họ lại dạy theo cách truyền tải một chiều như trước. Vậy điều này chẳng khác gì “bình cũ rượu mới”.
Thực tiễn quá trình triển khai, một số GV vẫn đứng ngoài cuộc, chưa có ý thức, chưa đủ tâm huyết để trau dồi chuyên môn, chưa thực hiện chương trình mới theo một cách mới. Đây là một trong những lực cản lớn cản trở quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, người đứng đầu cần linh hoạt, khéo léo, kiên định trong việc thay đổi nhận thức, tư duy của thầy cô” - bà Tâm nói thêm.
GV có cảm hứng mới truyền “lửa” cho HS
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Tâm, nhà trường nên tăng cường việc dạy học thực nghiệm chương trình mới cho GV trong dịp hè. Từ những tiết dạy đó, GV sẽ có cái nhìn chủ động trước các nội dung mới, sau đó rút kinh nghiệm, biên soạn lại để phù hợp với mục tiêu giảng dạy cũng như mục tiêu giáo dục.
Ông Trương Văn Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, chia sẻ việc đổi mới kiểm tra, đánh giá như một khẩu hiệu, song thực tế nhiều GV vẫn đi theo lối mòn. Thay vì đánh giá HS theo định hướng phẩm chất, năng lực thì họ đánh giá qua một vài bài kiểm tra chú trọng kiến thức. Trong khi để kiểm tra năng lực, việc đánh giá thường xuyên rất quan trọng.
“GV phải hiểu khi thay đổi, ban đầu có khó khăn và phải vượt qua được cảm giác ngại thay đổi, phải có động lực để đổi mới. GV không có động lực thì không thể truyền “lửa” cho HS. Do đó, trường học phải truyền cảm hứng cho thầy cô, từ đó họ mới truyền nhiệt huyết cho các em” - ông Tiến nói thêm.
GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh vấn đề hiện nay làm sao thay đổi tư duy, thói quen của GV.
“Các trường cần phải nhìn thấy vấn đề trên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thầy cô, trường sư phạm sẽ cùng đồng hành. Về lâu dài, các cơ sở giáo dục phải nỗ lực chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình mới. Mặt khác, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thực hiện xong đề án xây dựng trường học hạnh phúc và sẽ chuyển giao cho các trường khi có nhu cầu” - ông Sơn chia sẻ.
Việc hiểu bài còn hạn chế
Kết quả khảo sát 1.500 HS lớp 10 tại một số trường của Trường THPT Lê Quý Đôn, có 55,8% HS cho rằng việc hiểu bài còn hạn chế; 30,4% HS chưa có năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Kết quả khảo sát 350 GV lớp 10 trong phạm vi một số trường THPT thuộc khu vực trung tâm TP.HCM đã cho kết quả khoảng 60% thầy cô gặp một vài khó khăn; khoảng 35% GV gặp nhiều và rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chương trình mới.