Sáng 9-1, Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) quận 11, TP.HCM đã kiểm tra các điều kiện ATTP những sạp kinh doanh thực phẩm tại chợ Thiếc trên địa bàn quận.
Bánh “hết date” vẫn bày bán
Tại sạp bánh của bà Tăng Ngũ Muối, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều loại bánh bông lan, bánh đào, bánh tổ… không nhãn sản phẩm, một số bánh kẹo ghi chữ nước ngoài không dán nhãn phụ tiếng Việt. Đáng nói còn có bánh in đã hết hạn sử dụng khá lâu vẫn được bày bán. Bà Muối cho biết những hàng hóa trên là do mối quen mang tới.
Gần đó, nhiều loại bánh ngọt kinh doanh tại các sạp Trần Tuệ Nhi, Trần Ngọc Thanh, Lý Ngọc Nhi cũng không có nhãn sản phẩm chứng minh nguồn gốc. Đoàn còn ghi nhận các sạp này bày bán rất nhiều bánh ngọt của một cơ sở ở quận 6 (TP.HCM) gian lận ngày sản xuất (ghi ngày 10-1 trong khi ngày kiểm tra mới là ngày 9-1).
Kiểm tra sạp kinh doanh heo quay, vịt quay Trương Chí Tùng, chủ sạp cho biết mua heo và vịt sống tại một cơ sở trên địa bàn TP sau đó mang về nhà tự quay. Chủ sạp cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc heo, vịt sống, kể cả chứng từ liên quan phụ gia thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xá xíu của sạp để phân tích chỉ tiêu phẩm màu.
Đoàn kiểm tra phát hiện sạp của bà Tăng Ngũ Muối bán bánh in hết hạn sử dụng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Thịt heo lậu mà nói của Vissan
Mặc dù sạp kinh doanh thịt heo của bà Lưu Ngọc Anh treo tấm bảng to ghi “Thịt heo truy xuất nguồn gốc”. Theo bà Anh, mỗi ngày sạp của bà bán ra khoảng 30 kg thịt heo có nguồn gốc từ Công ty Vissan, thế nhưng khi đoàn kiểm tra yêu cầu, bà lại không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thịt.
Để làm rõ vụ việc, đoàn kiểm tra đề nghị gặp đại diện phân phối thịt heo của Công ty Vissan là ông Lâm Bá Thành. Ông Thành xác nhận bà Anh có nhận thịt heo từ công ty nhưng trong ngày 9-1, lấy lý do nghỉ bán nên bà không nhập thịt heo của Công ty Vissan.
Khi đoàn kiểm tra đặt câu hỏi thịt heo đang bán lấy ở đâu, bà Anh vòng vo một hồi rồi thú thật thịt này do cháu gái bà thu mua nên không rõ nguồn gốc. Với sai phạm trên, Ban quản lý (BQL) chợ Thiếc quyết định cho bà Anh tạm ngừng kinh doanh thịt heo trong vòng ba ngày, đồng thời đề nghị đại diện Công ty Vissan từ nay nếu ngưng cung cấp thịt heo cho sạp nào thì báo BQL biết để tiện giám sát.
Nhiều hàng hóa không nguồn gốc
Kinh doanh nhiều mặt hàng như bún tươi, bánh canh, bánh cuốn, bột lọc… nhưng sạp bà Nguyễn Thị Nguyệt không xuất trình được chứng từ nguồn gốc ngay thời điểm kiểm tra.
Tương tự, sạp Huỳnh Liên kinh doanh mực ngâm tro, sạp Hòa Thành kinh doanh chả lụa, sạp Trần Thị Kim Anh kinh doanh rau cũng không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ngoài lấy nhiều mẫu sản phẩm xét nghiệm, đoàn còn đề nghị BQL chợ Thiếc kiểm tra chứng từ, nguồn gốc hàng hóa của các sạp trên, báo về đoàn để có cơ sở xử lý.
Cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đề nghị BQL chợ thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh của tiểu thương để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về ATTP. Hướng dẫn tiểu thương lưu giữ hóa đơn, chứng từ nguồn gốc nguyên liệu, chỉ buôn bán các loại hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Liên tục phát hiện vi phạm Cùng ngày, Đoàn liên ngành ATTP quận 11 kiểm tra cơ sở heo, vịt quay Phát Tài (đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16), ghi nhận nơi đây chưa trang bị dụng cụ bảo hộ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm; chưa xuất trình được hóa đơn thịt heo, vịt, phụ gia; tủ bảo quản thực phẩm dơ, không được vệ sinh định kỳ. UBND quận 11 vừa ra quyết định phạt cơ sở sản xuất bò viên (86/58 Ông Ích Khiêm, phường 14) do ông Đào Văn Tám làm chủ gần 23 triệu đồng, đồng thời yêu cầu cơ sở tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm. Trước đó, đoàn cũng phát hiện cơ sở bảo quản hơn 250 kg thịt gà hết hạn sử dụng. BS VƯƠNG ANH TÀI, Trưởng phòng Y tế quận 11, TP.HCM |