Nói về đề xuất thành lập sở an toàn thực phẩm (ATTP) trên cơ sở nâng cấp Ban quản lý ATTP, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, nói: Thực ra tôi không quan tâm ban hay sở. Tuy nhiên, nếu là sở thì sẽ dễ thực thi nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý bởi nhiều vụ việc trong luật không quy định thẩm quyền thuộc ban mà chỉ quy định cho sở.
. Phóng viên: Bà có thể nêu rõ trường hợp cụ thể?
+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: Điển hình là công tác thanh tra. Ban quản lý ATTP TP.HCM tương đương với sở thì lẽ ra thanh tra của ban phải tương đương thanh tra sở. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Sở có chánh thanh tra và có một số quyền hạn như ký quyết định xử phạt, lên kế hoạch thanh tra… Trong khi ban chỉ có trưởng phòng thanh tra và theo quy định chức vụ này không được ký quyết định xử phạt hoặc lên kế hoạch thanh tra. Vì vậy, mọi vụ việc liên quan những vấn đề trên do tôi ký. Nếu thành lập sở, chánh thanh tra sẽ san sẻ việc này với tôi để tôi có thời gian giải quyết những công việc khác, liên quan tới bữa cơm an toàn hằng ngày của khoảng 13 triệu dân TP.HCM.
. Mô hình Ban quản lý ATTP còn “trói tay” vấn đề gì nữa không, thưa bà?
+ Có chứ! Cụ thể là hệ thống đội quản lý ATTP thuộc phòng thanh tra đang thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đề án hoạt động của ban chỉ cho phép thành lập sáu phòng chức năng, trong đó có phòng thanh tra. Sau đó, phòng thanh tra thành lập các đội quản lý ATTP liên quận, huyện và hai chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn). Các đội quản lý ATTP liên quận, huyện thuộc phòng thanh tra nhưng thực tế khi về quận, huyện không chỉ làm nhiệm vụ thanh tra mà còn làm nhiều việc khác, chẳng hạn tập huấn, tuyên truyền ATTP; phối hợp quận, huyện xử lý trước mắt các sự cố ATTP rồi sau đó báo cáo về ban; lấy mẫu để đánh giá nguy cơ… Nói chung, bất kỳ chuyện gì xảy ra ở quận, huyện liên quan ATTP thì lập tức các đội quản lý ATTP có mặt để cùng nhau giải quyết. Cho nên đứng về mặt chức năng, nhiệm vụ, họ không chỉ làm mỗi việc thanh tra.
Ban quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra suất ăn nấu sẵn tại một cơ sở . Ảnh: TR.NGỌC
Với số lượng mỗi đội quản lý ATTP liên quận, huyện TP.HCM trên dưới 30 người và hoạt động cùng lúc trên địa bàn ba quận, huyện thì quy mô đâu kém một phòng chức năng của sở. Do vậy, khi thành lập sở ATTP thì các đội quản lý ATTP sẽ trực thuộc sở và sẽ được nâng tầm hoạt động.
. Chính phủ đang có dự kiến sáp nhập một số với nhau. Vậy việc bà đề xuất thành lập sở ATTP TP.HCM liệu có phù hợp? Nếu các tỉnh, thành phố khác cũng đề xuất thành lập sở ATTP thì liệu có phình bộ máy quản lý không, thưa bà?
+ Sáp nhập các ban ngành, sở là ý hay. Tuy nhiên, muốn sáp nhập hoặc thành lập thêm sở đều căn cứ trên thực tế để công tác quản lý tốt hơn, không thực hiện một cách máy móc.
TP.HCM hiện trên dưới 13 triệu dân, hơn rất nhiều so với các tỉnh, TP khác. Mối quan tâm lớn nhất của người dân TP.HCM có vấn đề ATTP. Với lại khối lượng công việc của Ban quản lý ATTP TP.HCM quá lớn. Do vậy, tôi cho rằng thành lập sở ATTP thì tốt cho TP mình. Cũng cần nói rõ biên chế khi thành lập sở ATTP sẽ không tăng bởi những nhân sự này được tiếp nhận từ ba sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT và hiện đang công tác tại Ban quản lý ATTP TP.HCM.
“Một áo không thể mặc chung cho tất cả”, tôi không trông mong 63 tỉnh, TP sau này đều thành lập sở ATTP khiến gia tăng bộ máy quản lý. Do đặc thù riêng của từng địa phương, không phải TP.HCM có sở gì thì các tỉnh, TP khác phải có sở đó.
. Xin cám ơn bà.
Thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP TP.HCM là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế của một TP đầu tàu cả nước về nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở đạt được sau ba năm thí điểm, UBND TP.HCM sớm đề xuất Chính phủ cho phép thành lập sở ATTP. Sở này sẽ là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM, có vai trò tham mưu trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP. Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM |