Bài hát được giới thiệu trong một chương trình đón kiều bào về quê ăn tết. Ống kính quay cận cảnh một phụ nữ lén lấy tay áo quệt nước mắt. Đã hơn 22 năm ngày nhạc sĩ Giáp Văn Thạch mất, cũng là ngày cả nước biết đến bài hát Quê hương. Sức lay động lòng người của bài hát vẫn còn đó như mới hôm qua.
Đêm giao thừa nhớ bạn
Năm 2006, con gái đầu lòng của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch lập gia đình. Chị Vui, vợ nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, mời tôi dự. Chị xuống tận Sài Gòn gửi thiệp cho tôi.
Cảnh đẹp quê hương. Ảnh: ST
Những ngày Giáp Văn Thạch còn sống, chị Vui biết tôi là người luôn “cặp kè” với chồng chị. Hồi đó, Giáp Văn Thạch và tôi công tác chung tại Phòng Biên tập-Văn nghệ Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé. Anh phụ trách mảng âm nhạc, tôi phụ trách mảng văn học. Tờ tạp chí Văn Hóa Sông Bé xuất bản mỗi tháng một lần. Thời gian rảnh rỗi, chúng tôi rong ruổi trên mọi nẻo đường Sông Bé.
Căn nhà nhỏ nơi gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch ở nằm trên con đường nhỏ Thích Quảng Đức, thị xã Bình Dương. Những đêm nằm ngủ trên chiếc giường cá nhân duy nhất Giáp Văn Thạch dành cho, tôi không sao ngủ được. Mái nhà thủng của anh có nhiều ngôi sao nhấp nháy trong đêm. Nhớ những đêm mưa, Giáp Văn Thạch treo tấm nylon trên mùng để hứng nước nhỏ xuống giường, nhưng hôm đó mưa như trút. Nước mưa chảy thành dòng ướt hết chiếu gối nên tôi đành ngồi bó gối chờ sáng.
Giáp Văn Thạch (thứ 2 từ phải qua)
Chị Vui là người phụ nữ tảo tần nuôi con, nuôi mẹ chồng lưng còng ngày ngày ngồi tựa cửa nhìn xa xăm như mong đợi một điều gì trong mơ sẽ đến. Và bài hát Quê hương lần đầu tiên được ca lên ở đó, trong tiếng đàn ghi ta cũ. Tôi là người được Giáp Văn Thạch dựng lên trong đêm để nghe anh hát. Rồi những chuyến công tác vào tận hồ Sóc Xiêm, huyện Bình Long, đêm đêm anh ôm đàn ca cùng bè bạn.
Cả đời cháy cùng âm nhạc
Chuyến công tác ra Bình Thuận năm 1986 là chuyến đi cuối cùng của Giáp Văn Thạch. Tại bến xe Bình Dương, ngồi bên ly rượu tiễn nhưng anh không uống. Anh than hôm nay sao nhức đầu quá. Nhưng rượu vẫn kêu. Hình như Giáp Văn Thạch thèm một cuộc tiễn đưa như là số mệnh sắp đặt. Bến xe hôm ấy, ngoài tôi còn có chị Dạ Lan Hương, một người bạn của anh.
Hai ngày sau, Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé nhận được tin anh Giáp Văn Thạch mất. Tin đột ngột ngỡ như ai đó nói đùa. Cơn sốt rét ác tính đã quật ngã anh. Tối hôm nhận tin, anh Nguyễn Quốc Nhân (lúc đó là Trưởng phòng Văn Nghệ, sau là Chủ tịch Hội Văn nghệ Sông Bé, nay đã nghỉ hưu) tức tốc đi trong đêm để đón xác anh về. Đám ma anh được Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé tổ chức chu đáo, tình cảm.
Ca khúc Quê hương. Ảnh: ST
Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đi qua cuộc đời này như một cuộc rong chơi. Trò chơi thu hút hết đam mê của anh là âm nhạc. Hầu như anh ít chú ý đến cuộc sống thực tại thiếu thốn của mình. Tôi tin anh là người giàu có nhất về những ước mơ vô tận. Ngày anh mất, bạn bè đưa tiễn rất đông. Có lẽ đó là cuộc tiễn nhất đông nhất ở Bình Dương mà tôi được chứng kiến.
Hôm đám cưới cháu Thủy, tôi được gặp lại cháu Sơn, con trai anh, bây giờ là một chàng trai khỏe mạnh. Ngày anh ra đi, chúng còn quá nhỏ, ai cũng ái ngại. Bây giờ các cháu đã lớn khôn nên người. Cháu Thủy hiện là một giọng ca triển vọng của tỉnh Bình Dương. Ngẫm cho cùng, cuộc đời thật công bằng. Khi bạn trải lòng ra với cuộc sống thì cuộc sống sẽ ôm lấy bạn.
Giáp Văn Thạch sinh năm 1951, quê xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Anh là cán bộ phụ trách lĩnh vực âm nhạc Phòng Biên tập-Văn nghệ Sở Văn hóa Thông tin Sông Bé. Trong sự nghiệp âm nhạc ngắn ngủi của mình, anh để lại nhiều ca khúc có giá trị như Cánh hoa dầu, Tiếng gọi từ núi rừng Đắc Ơ, Con thuyền ngược thác (phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo), Dòng thời gian (phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn)… và đỉnh cao là bài Quê hương (phổ thơ Đỗ Trung Quân). Ngay sau khi được phát trên Đài Truyền hình TP.HCM, bài hát được lan truyền rất nhanh và trở nên nổi tiếng. Nhưng rất tiếc anh không được hưởng niềm hạnh phúc đó. Năm 1986, Giáp Văn Thạch qua đời ở tuổi 35, một tháng trước khi bài hát Quê hương được phổ biến rộng rãi. |
TỪ NGUYÊN THẠCH
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2010)