Giấy chứng nhận bào chữa: Thuận lợi hơn!

Ngày 8-10, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội thảo về thực trạng thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền bào chữa, quyền có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền của cá nhân... Các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.

Thiếu bảng giá chuẩn về thù lao thuê luật sư

Đại diện VKSND TP.HCM xác định người bào chữa có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Chính nhờ đó mà quá trình giải quyết vụ án đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, tòa đã đưa ra xét xử khoảng 5.000 bị cáo nhưng trong đó chỉ có hơn 1.500 bị cáo có nhờ luật sư (LS) bào chữa. Đó chủ yếu là các vụ án phạm vào các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các đại biểu, một trong các nguyên nhân khiến việc thực hiện quyền bào chữa chưa được chú trọng đó là quy định của pháp luật chưa phù hợp, thiếu hướng dẫn nên chỉ dừng lại ở mặt quy định. Ví dụ, luật quy định người bào chữa gồm LS; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân. Nhưng thực tế thì chỉ có LS mới thực hiện đầy đủ các quyền bào chữa, còn hai đối tượng còn lại thì hầu như không thực hiện.

Mặt khác, vấn đề thù lao để LS tham gia bào chữa cũng là một vướng mắc do hiện nay mức thù lao LS tham gia bào chữa chưa có bảng giá chuẩn để tham khảo. Trong khi đó, những đối tượng thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý không hẳn ai cũng biết mình được trợ giúp pháp lý miễn phí và nếu muốn, họ phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trong khi họ đã bị bắt, tạm giam, tạm giữ.

Một đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo nhằm nâng cao quyền bào chữa, quyền có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền của cá nhân… Ảnh: HỒNG TÚ

Luẩn quẩn xin giấy chứng nhận bào chữa

LS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, liệt kê thêm một loạt khó khăn của người bào chữa liên quan đến các cơ quan tố tụng. Cụ thể, điều tra viên không thông báo lịch làm việc hỏi cung cho bị can, đến khi LS liên hệ được thì mới biết vụ án đã có kết luận điều tra. Chính vì điều tra viên không có kế hoạch làm việc cụ thể, dài hạn nên nhiều vụ LS rất bị động khi điều tra viên gọi điện thoại thông báo. Hay như người thân của người bị tạm giữ nhờ LS bào chữa nhưng khi LS đến liên hệ thì nhận được ngay văn bản từ chối LS của người bị tạm giữ.

LS Phạm Công Út (Đoàn LS TP.HCM) cho biết LS gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhất là trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, tạm giữ. LS cầm giấy yêu cầu LS của người nhà bị can, bị cáo đến cơ quan tố tụng liên hệ xin cấp giấy chứng nhận bào chữa thì được yêu cầu phải vào trại giam gặp và có ý kiến đồng ý của bị can, bị cáo. Nhưng muốn vào trại giam gặp được bị can, bị cáo thì phải có giấy chứng nhận bào chữa. Cái vòng luẩn quẩn này khiến quyền bào chữa, quyền được nhờ người khác bào chữa bị xâm phạm.

Đưa luật sư vào thế bị động

Thẩm phán Trương Thế Trọng, Phó Chánh tòa Hành chính TAND TP.HCM, nhìn nhận hiện nay tiến trình tham gia tố tụng của người bào chữa đang bị cắt khúc tùy theo giai đoạn tố tụng. Mới đầu, người bào chữa đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng khi hồ sơ đến VKSND, rồi qua tòa án lại phải cấp giấy chứng nhận khác. Mặt khác, cơ quan tố tụng nào cấp giấy chứng nhận bào chữa mới có quyền thu hồi, các cơ quan sau không có thẩm quyền thu hồi cũng là một vướng mắc.

Đồng tình, LS Trần Cao Phú, Đoàn LS TP.HCM, nêu giai đoạn đầu tiên ở cơ quan điều tra là giai đoạn rất quan trọng để thực hiện quyền bào chữa bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Tất cả chứng cứ quan trọng đều nằm ở đây, nếu quyền bào chữa không được đảm bảo thì việc bào chữa sau này của  LS sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc cấp giấy chứng nhận bào chữa được VKSND, TAND thực hiện tương đối tốt nhưng còn cơ quan điều tra thì chưa tốt.

Người dân chưa biết hết quyền của mình 

Theo quy định, người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa và người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là những đối tượng được trợ giúp pháp lý. Nhưng không phải lúc nào những đối tượng trên cũng biết mình có quyền này. Thậm chí nhiều trường hợp họ còn không biết họ là người được trợ giúp pháp lý chứ đừng nói tới việc biết mà không thực hiện quyền. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền nhờ người khác bào chữa của họ.

Ông NGUYỄN MINH CHÁNH, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM

Sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư

Các vấn đề, vướng mắc được nêu ra đang từng bước tháo gỡ. Từ các ý kiến này, chúng tôi sẽ có đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định liên quan cho phù hợp hơn với thực tiễn. Việc sửa đổi sẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư.

TS DƯƠNG THỊ THANH MAI, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều