Thế mà ngày càng có nhiều miếng thịt heo độc hại như thế ở khắp các chợ, cửa hàng để rồi “chễm chệ” trong các bữa ăn của nhiều gia đình!
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, tỉ lệ mẫu heo tồn dư chất cấm tăng từ 14% (kiểm tra tháng 6-2015) lên 22% (kiểm tra tháng 8-2015)… Con số này ứng với thực tế đáng báo động ở tỉnh Đồng Nai (nơi có lượng lớn thịt heo nhập vào TP): Nếu như trước đây chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sai phạm thì giờ nhiều trang trại nuôi heo lớn, quy mô đàn hàng ngàn con cũng sử dụng chất cấm.
Vì khó nhận diện bằng mắt thường (nhất là khi thịt được cắt thành từng miếng hoặc đã chế biến) nên với các thông tin dồn dập trên báo, đài “hở kiểm tra là dính chất cấm”, dần dà nhiều người cảm thấy… sợ hãi miếng thịt quen thuộc. Nhiều đòi hỏi, bức xúc được đặt ra: Pháp luật ở đâu mà để đông đảo người tiêu dùng cảm thấy bất an?
Ngoài người chăn nuôi thì còn có người sản xuất, người mua-bán (trong đó có các thương lái) tham gia vào việc “sát hại đồng loại”. Tuy rất khó khăn để truy lùng nhưng rồi các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính họ với mức phạt quá nhẹ so với món lợi bất hợp pháp mà họ thu được. Đây là một trong những lý do khiến vi phạm cứ tiếp diễn.
Hiện đang có nhiều ý kiến muốn xử lý hình sự để có thể loại trừ, tiêu diệt những hành vi kinh doanh trên mạng người. Ngặt nỗi rất khó áp dụng một tội danh cụ thể nào mà BLHS đang có để xử lý. Chẳng hạn, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (1-5 năm tù) chỉ áp dụng đối với “người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng”. Song việc xác định hậu quả “nghiêm trọng” như việc sử dụng thực phẩm có chất cấm là nguyên nhân dẫn đến bệnh hoạn, mất mạng thì không dễ phát hiện ra ngay...
Đến giờ, dư luận vẫn thấy rất ấn tượng với biện pháp chế tài mà Trung Quốc từng áp dụng để thể hiện sự cương quyết xóa sổ thực phẩm “cực bẩn”. Đó là xử án tử đối với kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol là chất liệu chính tạo nên “thịt heo siêu nạc”. Vậy chúng ta sẽ tính sao để việc xử lý không còn “phủi bụi” như lâu nay?
Thụy Điển: Từ năm 1986, Thụy Điển đã trở thành nước tiên phong trên thế giới trong việc cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, chính phủ nước này đã cấm sử dụng tất cả loại kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn cho heo. Đan Mạch: Cấm dùng kháng sinh để kích thích tăng trọng cho heo và gia cầm từ năm 1989, đến nay khi mua thuốc kháng sinh người chăn nuôi phải có toa thuốc của bác sĩ thú y thì nhà thuốc Tây mới được bán. Tháng 5-1995, Đan Mạch đã ban hành quyết định cấm sử dụng Avoparcin (được sử dụng từ năm 1979) - một loại kháng sinh glycopeptid đơn - trong thức ăn cho gà và heo. Tiếp theo đó, chính phủ Đan Mạch đã kêu gọi các nhà chăn nuôi không bổ sung kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi cho heo thịt có trọng lượng trên 30 kg. Đến năm 1998, chính phủ Đan Mạch cấm trộn tất cả loại kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. Đức: Tháng 1-1996, Đức cũng ra quyết định tạm thời cấm kháng sinh Avoparcin trong thức ăn của tất cả vật nuôi. Phần Lan: Đưa ra các thông tin khoa học về mối nguy hiểm khi sử dụng kháng sinh Tylosin và Spiramycin trong thức ăn chăn nuôi đối với sức khỏe con người năm 1997. Mỹ: Tuy bị coi chậm chân so với nhiều nước khác trong việc cấm sử dụng kháng sinh nhưng cũng đã loại ra khỏi danh mục nhiều loại thuốc và hóa chất từng được sử dụng khá phổ biến trước đây trong ngành công nghiệp chăn nuôi nước này. Thái Lan: Luật quy định nếu vi phạm sử dụng chất beta-agonist quá hai lần có thể bị phạt tù 1-3 năm. Do đó, trong năm năm nước này đã giải quyết được hiện tượng trộn beta-agonist vào thực phẩm chăn nuôi. BẢO ANH |