Giết voọc chà vá, khó xử hình sự

Thế nhưng VKS cùng cấp lại cho rằng chưa định giá được giá trị mỗi con voọc nên không phê chuẩn.

Theo điều tra ban đầu, khoảng cuối tháng 3-2015, Sơn cùng Vi Văn Hoàng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Hội và Lê Thị Lan (cùng ngụ Tân Kỳ) từ Nghệ An vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để dựng lán trại, đặt bẫy thú. Trong thời gian đi săn tại đây, nhóm của Sơn đã sát hại nhiều cá thể voọc chà vá chân nâu, sấy khô thịt, còn xương thì bó thành từng bó phơi trên giàn bếp.

Vào thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, trong lán chỉ có mình Sơn. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm nhiều bẫy dây thép, dao phát rừng, một túi đựng thịt và xương động vật. Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã gửi mẫu vật thu giữ để trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam). Kết quả xác định đây là loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, thuộc nhóm IB, nằm trong sách đỏ thế giới.

 
Vi Văn Sơn cùng số xương voọc chà vá chân nâu. Ảnh: TT

Chi cục Kiểm lâm TP đã khởi tố vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật sang Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà. Sau một thời gian điều tra, Công an quận Sơn Trà đã khởi tố bị can Vi Văn Sơn về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm theo khoản 2 Điều 190 BLHS nhưng VKSND cùng cấp không phê chuẩn. Lý do là theo Điều 21 Nghị định 157/2013 thì giá trị của tang vật thu giữ thuộc nhóm IB phải trên 100 triệu đồng thì mới xử lý hình sự được.

Cơ quan điều tra đã gửi yêu cầu định giá cá thể voọc chà vá chân nâu đến Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Sơn Trà; Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Đà Nẵng và Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Bộ Tài chính. “Cả ba cấp đều trả lời chung kết quả là voọc chà vá chân nâu không lưu hành trên thị trường nên không có cơ sở để định giá. Cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong vụ việc này” - Công an quận Sơn Trà thông tin.

Do còn nhiều điểm vướng nên vụ án được gia hạn điều tra thêm ba tháng. “Tuy nhiên, nếu vẫn bắt buộc phải định giá voọc thì có thể vụ việc chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính các đối tượng săn bắt voọc trái phép” - một cán bộ Công an quận Sơn Trà nhận định.

Theo các chuyên gia về bảo tồn động vật, các loài động vật quý hiếm không được phép lưu thông trên thị trường nên cũng không thể định giá cụ thể. Hơn nữa, đây là loài động vật cần được bảo tồn, do đó việc xâm hại này không đơn thuần là bị thiệt hại về vật chất mà còn là tài sản phi vật chất.

____________________________________

Cơ quan kiểm lâm đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn tác động với địa phương để có phương án xử lý sớm vụ việc này. Quan điểm của cơ quan kiểm lâm là cần phải xử lý hình sự người đặt bẫy, giết hại voọc chà vá chân nâu trong khu bảo tồn để giáo dục, răn đe chung.

Ông LÊ VĂN NHÌ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng

Voọc chà vá chân nâu là nguồn gen quý chỉ có ở vùng rừng núi Việt Nam và Lào, cần được ưu tiên bảo vệ. Do đó, việc quy ra giá trị 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng là điều không thể. Hành vi giết hại loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được xử phạt thích đáng để phòng ngừa.

GS-TS ĐẶNG HUY HUỲNH, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm