Đó là chủ trương tại Luật Công an nhân dân (CAND) vừa được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố ngày 11-12. Luật CAND là một trong chín luật vừa được Quốc hội thông qua.
Thượng tướng là thứ trưởng Công an tối đa sáu người
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho hay Luật CAND 2018 gồm bảy chương với 46 điều, đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Một trong những nội dung đáng chú ý là luật này đã quy định về thời hạn thăng mỗi cấp bậc hàm cấp tướng tối thiểu là bốn năm. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ bị giáng cấp bậc hàm, sau một năm kể từ ngày bị giáng cấp bậc hàm, nếu tiến bộ thì được xét thăng cấp bậc hàm. Tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57 tuổi; trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.
Ngoài ra, tại Điều 24 quy định về chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND đã không còn quy định chức danh “tổng cục trưởng”. Các chức danh trong lực lượng CAND gồm: bộ trưởng Bộ Công an; cục trưởng, tư lệnh; giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc trung ương; trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng; đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng; đại đội trưởng; trung đội trưởng; tiểu đội trưởng.
Điều 25 của luật cũng quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND gồm có: đại tướng là bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an nhưng số lượng không quá sáu người. Luật quy định rõ cấp bậc hàm trung tướng không quá 35 người, cấp bậc hàm thiếu tướng không quá 157 người. Đối với cấp bậc hàm thiếu tướng có giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc trung ương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 nhưng không quá 11 người; phó giám đốc công an TP Hà Nội, TP.HCM nhưng không quá ba người mỗi đơn vị.
Luật CAND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2019.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: QUỐC HỘI
Gần 4.000-5.000 cán bộ phải kê khai tài sản, thu nhập
Một luật khác cũng được công bố là Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Luật PCTN 2018 gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ 1-7-2019. Theo đó, quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với luật hiện hành. Luật mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác PCTN.
Trả lời báo chí, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh lý giải thêm: Luật mới yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu. “Qua kiểm soát, thống kê nói chung, chúng tôi thấy số lượng bản kê khai này cũng rất lớn, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 4.000-5.000” - ông Tuấn Anh cho biết. Thời gian qua, việc kê khai hằng năm chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tương đương từ giám đốc sở trở lên ở cả trung ương và địa phương và một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân.
Cũng theo ông Tuấn Anh, để tránh việc kê khai hình thức, luật quy định rất rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt trong việc hình thành, quản lý cơ sở dữ liệu bản kê khai, hướng tới việc số hóa cơ sở dữ liệu này. Hằng năm, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ phải xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.
“Chúng tôi cho rằng với việc mở rộng căn cứ xác minh, quy định thẩm quyền xác minh chủ động thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ bảo đảm quy định này được thực hiện thực chất hơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc kiểm soát tài sản, thu nhập trong PCTN” - ông Tuấn Anh nói.
Cũng trong sáng 11-12, bảy luật khác được công bố và giới thiệu nội dung chính gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Đặc xá và Luật Cảnh sát biển. |