Chị Q. làm ở một kênh truyền hình, giờ cao điểm của việc viết tin, bài thường vào khoảng 5 giờ chiều. Khi xong hết bài vở, về đến nhà thì đã 7, 8 giờ tối. Hôm nào trực khuya thì phải 12 giờ đêm mới về. Chuyện đón con đang học mẫu giáo tan trường mỗi chiều, cho con ăn tối, lau nhà… thường phải do chồng chị đảm trách. Những hôm không trực, về đến nhà chị lao vào bếp nấu ăn, rửa chén, tranh thủ chơi với con và cho con ngủ. Và rồi vợ chồng chị thường xuyên hục hặc về chuyện công việc quan trọng hơn hay gia đình quan trọng hơn.
Hằng năm, chị Q. nhận tờ giấy chứng nhận của công đoàn cơ quan “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà lòng chẳng vui. Lúc ấy, câu hỏi trong đầu chị lại bật ra: “Đàn ông thì sức dài vai rộng hơn phụ nữ. Tại sao phụ nữ thì có hai giỏi, đàn ông chỉ cần một giỏi?”. Chị Q. nói thầm trong năm 2012 vừa rồi, TP.HCM có gần 220.000 phụ nữ đoạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không biết có ai đắng lòng như mình không.
Trong chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện” của tạp chí Thế Giới Văn Hóa, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng đã đến lúc cần xem lại khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đây là thứ “chân lý” đã trói buộc phụ nữ bao đời nay, đòi hỏi trách nhiệm và hy sinh quá nhiều ở phụ nữ.
Nam giới cần chia sẻ gánh nặng việc nhà với phụ nữ. Trong ảnh: Những người giúp việc gia đình, trong đó có cả nam giới thuộc Công ty An Tâm.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989, đến nay đã 24 năm. Năm 2010, Tổng Liên đoàn Lao động có phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức, lao động và nhận được nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại tính bình đẳng giới của phong trào này.
PGS-TS Hoàng Bá Thịnh đã từng có ý kiến: “Phong trào này cổ vũ chị em phấn đấu trong hoạt động xã hội nhưng cũng phải làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Nói cách khác, để đoạt được danh hiệu hai giỏi, vừa phải nỗ lực vươn lên, vừa làm tròn việc nhà, việc nước... Tôi cho rằng phong trào này rất bất bình đẳng giới. Vì phong trào này không yêu cầu nam giới phải giỏi việc nước, đảm việc nhà như phụ nữ. Vì vậy, phong trào hai giỏi phải có thông điệp Cán bộ, công chức giỏi việc nước, đảm việc nhà thay cho phong trào thi đua chỉ dành cho phụ nữ”.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Bình đẳng giới là nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Điều 33 của luật này cũng quy định gia đình phải có trách nhiệm giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.
ĐÔNG YÊN