Tránh hành xử bạo lực sau va chạm giao thông

(PLO)- Khi xảy ra va chạm giao thông, vì không giữ được bình tĩnh, một số người đã dễ dàng bị cuốn vào các xung đột, thậm chí phá hoại tài sản và dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian gần đây, nhiều mâu thuẫn khi tham gia giao thông nếu được xử lý bình tĩnh sẽ chỉ dừng lại ở mức lời xin lỗi hoặc thỏa thuận bồi thường. Tuy nhiên, vì không giữ được bình tĩnh, nhiều người đã dễ dàng bị cuốn vào các xung đột, gây ra những hậu quả như cãi vã, đánh nhau, thậm chí phá hoại tài sản và dẫn đến vi phạm pháp luật.

Các tình huống va chạm giao thông nếu không kiểm soát tốt dễ dẫn đến những hành vi quá khích, làm mất trật tự xã hội và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Mất kiểm soát khi có mâu thuẫn xảy ra

Một số vụ việc gần đây đã cho thấy sự mất kiểm soát trong hành vi của một số người khi gặp xung đột giao thông. Đơn cử là vụ việc xảy ra tối 15-9 tại TP Thủ Đức (TP.HCM), anh Nguyễn Ngọc S (35 tuổi, ngụ Đắk Lắk) và ông Giang có va chạm xe trên đường Kha Vạn Cân.

Khi xảy ra sự cố, ông Giang đã không giữ được bình tĩnh, sử dụng tay đánh anh S, sau đó quay lại lấy mỏ lết đập phá xe anh S khiến anh S và người đi cùng vô cùng hoảng sợ. Vụ việc nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và Công an TP Thủ Đức đã phải vào cuộc, tiến hành khởi tố ông Giang về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tránh hành xử bạo lực sau va chạm giao thông

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 5-3, một tài xế taxi tại Hà Nội bị hành hung dã man do mâu thuẫn trên đường. Hai người đi xe máy đã tấn công khiến tài xế này bị chấn thương sọ não nặng và qua đời sau đó.

Vụ việc gây bàng hoàng cho dư luận và đặt ra câu hỏi về ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Những tình huống như vậy không chỉ để lại hậu quả đau lòng cho nạn nhân và gia đình mà còn gây áp lực lớn cho lực lượng chức năng trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Những hành vi bạo lực sau các va chạm giao thông là không chấp nhận được trong ý thức và văn hóa tham gia giao thông của một số người. Việc sử dụng bạo lực không chỉ làm tổn hại đến bản thân người tham gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giao thông chung của xã hội. Việc này cũng tạo nên những tiền lệ xấu, khuyến khích cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì bằng biện pháp thỏa thuận, hòa giải.

Kiềm chế và ứng xử văn minh

Phòng CSGT Công an TP.HCM đã từng đưa ra các khuyến cáo về việc người dân tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, kiên nhẫn trong mọi tình huống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số người khi đối mặt với xung đột trên đường vẫn không kiềm chế được cảm xúc, dễ bị cuốn vào các cuộc cãi vã, thậm chí sử dụng bạo lực. Chính sự mất kiểm soát cảm xúc đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn.

Theo các chuyên gia, giữ một thái độ bình tĩnh, tỉnh táo khi tham gia giao thông là điều cực kỳ cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Các tình huống va chạm là điều không ai muốn nhưng nếu xảy ra thì việc xử lý khéo léo, ứng xử văn minh sẽ giúp tránh được những xung đột không cần thiết. Đặc biệt, nhiều vụ việc bạo lực chỉ xuất phát từ cảm xúc nhất thời của người trong cuộc. Vì vậy, khi giữ được cái đầu lạnh thì có thể tránh được những hậu quả nghiêm trọng, làm mất đi hình ảnh giao thông văn minh.

Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân, nhận định rằng hành vi bạo lực trong giao thông đã tồn tại từ lâu nhưng nay lại phổ biến hơn.

Thiếu tá Toản cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Việc thiếu kiềm chế, không tuân thủ luật giao thông thường khiến người tham gia giao thông dễ dàng bị cuốn vào các tình huống căng thẳng, dẫn đến hành vi quá khích.

Theo Thiếu tá Toản, dù ai đúng, ai sai, việc xô xát và tranh cãi trên đường phố là hành vi không đúng mực, gây ảnh hưởng đến người khác, làm mất trật tự, an toàn giao thông và có thể thu hút đông người tụ tập tạo nên một tình huống bất ổn.

Những yếu tố như đường phố đông đúc, áp lực thời gian khi di chuyển hoặc những bất cập trong hệ thống giao thông cũng là tác nhân gây căng thẳng cho người tham gia giao thông. Thiếu tá Toản nhấn mạnh thái độ bình tĩnh, tỉnh táo trong mọi tình huống sẽ giúp giảm thiểu các xung đột không đáng có, tạo sự an toàn và văn minh khi tham gia giao thông.

Cách ứng xử trong tình huống va chạm giao thông

Để tránh các tình huống căng thẳng không cần thiết trên đường phố, Thiếu tá Võ Ngọc Toản khuyến cáo người dân không nên tự xử lý các xung đột mà hãy tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Nếu bị khiêu khích hoặc đối diện với hành vi hung hãn, tốt nhất là nên tránh xa, ghi nhận lại các bằng chứng cần thiết để bảo vệ bản thân và cung cấp cho cơ quan chức năng.

Việc kiềm chế cảm xúc và duy trì thái độ văn minh không chỉ giúp giữ gìn hình ảnh cá nhân mà còn tạo nên một môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu những rủi ro cho cả cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm