Giữ vững 'lá chắn' an toàn thực phẩm giữa lòng đô thị 10 triệu dân

Giữ vững 'lá chắn' an toàn thực phẩm giữa lòng đô thị 10 triệu dân

(PLO)- Mục tiêu cuối cùng của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững.

Sau hơn một năm hoạt động chính thức (từ ngày 1-1-2024), Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, sở chuyên ngành đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đang dần khẳng định vai trò trong việc bảo vệ bữa ăn hàng ngày của gần 10 triệu người dân TP.

Giữ vững “lá chắn” an toàn thực phẩm giữa lòng đô thị 10 triệu dân

Được thành lập trên cơ sở kế thừa Ban Quản lý An toàn thực phẩm sau 6 năm thí điểm, Sở ATTP TP.HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. ​

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, Sở ra đời không chỉ để tiếp nối những kế hoạch còn dang dở từ thời Ban, mà còn để nâng công tác này lên một tầm cao mới.

Việc thành lập Sở đồng nghĩa có lực lượng thanh tra cấp sở – với thẩm quyền rộng hơn, hoạt động độc lập hơn so với trước đây khi còn là thanh tra chuyên ngành.

Giữ vững “lá chắn” an toàn thực phẩm giữa lòng đô thị 10 triệu dân

Theo đó, sự ra đời của Sở ATTP TP.HCM là một trong những bước tiến lớn, cho phép các hoạt động kiểm tra, xử lý được thực hiện một cách độc lập và có tính răn đe cao hơn.

Trong năm 2024, Sở đã kiểm tra 15.769 cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm, tăng hơn 10% so với năm trước; lấy 5.312 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm.

Bản sao rock (18) 3an-toan-thuc-pham-1.png

TP.HCM – đô thị hơn 10 triệu dân, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm nghìn bữa ăn từ bếp ăn trường học, bệnh viện đến các gánh hàng rong, hàng ăn uống vỉa hè...

Đảm bảo được an toàn trong từng suất ăn trong khi hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, lực lượng thanh tra còn mỏng, đó là bài toán mà Sở ATTP TP.HCM đang đối mặt.

Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cho rằng, không thể khẳng định thực phẩm đắt tiền luôn an toàn vì vẫn có trường hợp gian dối. Song, chắc chắn một điều là thực phẩm càng rẻ thì nguy cơ mất an toàn càng cao.

che bien thuc pham an toan 1-tran ngoc.JPG
Một quầy bán bánh mì tuân thủ các hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Ảnh: T.N

Chợ truyền thống, vỉa hè, thậm chí mua bán online – tất cả đều có lỗ hổng. Sở đã khuyến khích các quận, huyện xây dựng tuyến phố hàng rong văn minh, nơi người bán được hỗ trợ dụng cụ, tập huấn và được kiểm tra định kỳ để giảm thiểu rủi ro.

“Thức ăn đường phố là nét văn hoá, chúng tôi không chủ trương dẹp bỏ nhưng không thể vì sự tiện lợi mà đánh đổi sức khoẻ cộng đồng”, bà Lan nhấn mạnh.

Do vậy, Sở đã tăng cường tập huấn tuyên truyền hỗ trợ những nơi bán thức ăn đường phố như trang bị găng tay, khẩu trang, dụng cụ …. để giảm bớt nguy cơ an toàn thực phẩm.

An-toan-thuc-pham-plooo.jpg
Tiểu thương chợ An Sương, quận 12, luôn đeo găng tay, khẩu trang tuân thủ vệ sinh ATTP. Ảnh: TRẦN MINH

Một trong những thách thức hiện tại Sở đang gặp phải chính là nguồn nhân lực. So với thời điểm Ban Quản lý ATTP còn hoạt động với 488 người, hiện Sở chỉ còn 345 cán bộ, công chức, viên chức.

“Tôi không phủ nhận áp lực là có, nhưng điều đó không khiến chúng tôi chùn bước. Dù số lượng biên chế bị cắt giảm, chúng tôi đã nỗ lực khắc phục bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy vậy, công nghệ chỉ hỗ trợ hiệu quả nhất ở khâu tiền kiểm – tức là giai đoạn cấp phép”, bà Lan nói.

che bien thuc pham an toan-tran ngoc.JPG
Tiểu thương đang sơ chế chả cá thác lác tại một khu chợ đầu mối. Ảnh: T.N

Bà cũng lý giải thêm, dù áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính với 100% thủ tục đạt cấp độ 4, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, nhưng rõ ràng có những công việc mà máy móc không thể thay thế con người, như công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, các chế tài để phát hiện, xử phạt kịp thời các vi phạm còn chưa đầy đủ, gây khó khăn lớn trong xử lý tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…

Hiện số lượng thực phẩm tự công bố và công bố sản phẩm rất lớn, nhưng lực lượng làm công tác hậu kiểm lại không tương xứng. Đây là điều mà Sở ATTP đang nỗ lực cải thiện.

Bản sao rock (18)an-toan-thuc-pham-1.png

Nếu trước đây hoạt động kiểm tra phần lớn diễn ra sau khi có sự cố, thì nay, Sở chủ động tiếp cận sớm, phòng ngừa từ gốc. Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng đặt mục tiêu phòng ngừa chứ không phải đợi lúc sự cố xảy ra mới đi xử lý.

“Khi một vụ ngộ độc xảy ra và có thiệt hại đã là quá muộn. Bởi thế, thay vì chỉ đi bắt vi phạm, chúng tôi chú trọng kiểm tra định kỳ, lấy mẫu thường xuyên, đào tạo kiến thức và khuyến khích người dân tham gia giám sát”, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ.

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, toàn bộ hệ thống bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu chế xuất và khu công nghiệp đều được kiểm tra định kỳ và đột xuất.

che bien thuc pham an toan 3.JPG
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4, đến kiểm tra bữa ăn bán trú của con tại trường. Ảnh: NTCC

Song song đó, Sở tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp người hành nghề và người chịu trách nhiệm nắm rõ quy định pháp luật, từ đó xây dựng và vận hành bếp ăn đúng quy trình an toàn.

Đặc biệt, phụ huynh cũng được khuyến khích tham gia giám sát ATTP trong trường học, chung tay tạo nên môi trường thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Tất cả những nỗ lực đó đều nhằm đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, đặc biệt là với học sinh, nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ tổn thương.

Trong năm 2024, Sở đã tổ chức 124 lớp tập huấn với hơn 13.600 người được trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm. Sở cũng phối hợp với các địa phương cấp 481.500 ấn phẩm truyền thông và hàng chục ngàn tờ rơi, băng rôn tuyên truyền để lan tỏa nhận thức.

Theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nếu đánh giá TP trên 10 triệu dân có rất nhiều nơi ăn tập trung đông đúc, thời tiết nắng nóng, thì nguy cơ của chúng ta là lớn.

“Trong năm 2024, tình hình tương đối yên ổn. Từ cuối tháng 3-2025 đến nay có ghi nhận một vài trường hợp nghi ngờ liên quan đến an toàn thực phẩm, nhưng tất cả các ca nhập viện đều đã xuất viện an toàn. Các mẫu bệnh phẩm được kiểm tra dịch tễ cho kết quả chưa đủ cơ sở để kết luận là ngộ độc thực phẩm”, bà Lan nói.

Bản sao rock (18) 2an-toan-thuc-pham-1.png

Theo bà Lan, thực phẩm an toàn phụ thuộc rất lớn vào lựa chọn của người tiêu dùng. Có cung mới có cầu – nếu người dân cứ tiếp tục mua thực phẩm giá rẻ, dù biết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, thì nguy cơ ấy vẫn tồn tại.

Dù hiểu rằng nhiều người phải cân nhắc chi tiêu, nhưng cần suy nghĩ kỹ: đồng tiền tiết kiệm hôm nay có thể phải đánh đổi bằng tiền viện phí, sức khỏe – thậm chí là tính mạng – trong tương lai không?

“Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ sản phẩm sạch, hành vi tốt trong xã hội. Cần tiết kiệm một cách hợp lý – mua vừa đủ lượng thực phẩm cần thiết, bảo quản và sử dụng hiệu quả hơn”, bà Lan nhấn mạnh.

an-toan-thuc-pham-plo.jpg

Bên cạnh đó, người dân cần ủng hộ các cơ sở kinh doanh hợp pháp. Với hàng online – tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro – hãy lựa chọn các địa chỉ uy tín, có thương hiệu rõ ràng.

“Chúng tôi cũng đề nghị người bán minh bạch thông tin sản phẩm, công khai hồ sơ công bố để người mua có thể yên tâm hơn”, bà Lan chia sẻ thêm.

rock (16).png

Song song với nâng cao ý thức cộng đồng, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát và sàng lọc thực phẩm. TP đã thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý buôn bán tự phát xung quanh các chợ đầu mối – phối hợp giữa công an, quản lý trật tự đô thị và các sở, ngành.

"Về phía Sở ATTP, chúng tôi áp dụng hình thức “kiểm ngược” – kiểm tra từ chợ truyền thống, nơi tiêu thụ hàng từ chợ đầu mối, buộc tiểu thương phải xuất trình hóa đơn, chứng từ nguồn gốc rõ ràng, không có thì xử phạt", bà Lan cho biết.

an-toan-thuc-pham.jpg
Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9 (thuộc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: TRẦN MINH

Một điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và nhiều nước phát triển là hệ thống phân phối. Ở các quốc gia khác, thực phẩm gần như chỉ qua siêu thị – nơi có kiểm soát chặt chẽ. Còn tại TP.HCM, dù chợ truyền thống ngày càng ế ẩm, nhưng nếu người dân không thay đổi thói quen mua sắm thì hệ thống phân phối minh bạch sẽ rất khó phát triển.

Mặc dù khó khăn về nhân sự, thời gian tới Sở ATTP TP.HCM vẫn triển khai các chuyên đề kiểm tra chuyên sâu như sữa, thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước đá, cà phê... Tăng cường lấy mẫu, đánh giá nguy cơ, xử lý vi phạm và công khai kết quả để người dân theo dõi.

Bà Lan thông tin, hiện khoảng 70–80% thực phẩm tại TP.HCM được nhập từ các tỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ mạnh dạn loại bỏ các sản phẩm không đạt chuẩn, không cho vào TP– song việc này phải làm từng bước, có lộ trình rõ ràng.

"Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững, điều chỉ có thể đạt được khi các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ – và quan trọng nhất là có sự đồng hành của người dân", bà Lan nói.

Đọc thêm